Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước

Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời - sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của dân tộc Việt Nam. Hơn 90 năm ra đời và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng khẳng định là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Hà Nội trang hoàng đường phố chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Hà Nội trang hoàng đường phố chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng

Phát triển vượt bậc

Nhờ sự trung thành, tận tụy, vì dân, vì nước và không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, đặc biệt là bản lĩnh chính trị, tầm trí tuệ, Đảng đã đoàn kết, hướng dẫn, phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc, lập nên những kỳ tích vẻ vang. Tiêu biểu là các cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945, đến cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ kết thúc với chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nhân dân Việt Nam đã kết thúc vẻ vang “cuộc đụng đầu lịch sử” với đế quốc Mỹ bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã đáp ứng đòi hỏi cấp bách của đất nước, phù hợp với xu thế phát triển chung của khu vực và cục diện thế giới mới.

35 năm kể từ khi đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về mọi mặt, đặc biệt là về kinh tế. Từ một nền kinh tế khép kín, tự cấp, tự túc, theo cơ chế kinh tế kế hoạch hóa, tập trung bao cấp, Việt Nam đã phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, trở thành nước có thu nhập trung bình.

Tạp chí The Economist (Anh) tháng 8-2020 đã xếp Việt Nam trong nhóm 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới  năm 2019, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái thì với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt “mục tiêu kép”, Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng dương.

Trong 35 năm qua, với sự giúp sức của kinh tế đối ngoại, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của cả nước đạt từ 6%-7%. Riêng từ năm 2001 đến năm 2019, thì giai đoạn 2001-2005 tăng 7,51%/năm; giai đoạn 2006 - 2010 tăng 7%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 là 5,91%/năm; giai đoạn 2016 - 2019 là 6,73%/năm. Năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,91%. Đây là mức tăng thấp nhất trong thập niên gần đây của Việt Nam nhưng lại là thành công lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nước khu vực và thế giới rơi vào suy thoái. Từ chỗ là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, Việt Nam đã phát triển vượt bậc, trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp.

Số liệu thống kê của Bộ KH-ĐT cho thấy, đến hết năm 2020, quy mô nền kinh tế nước ta đạt khoảng 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD. Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và năng động nhất trong khu vực. Tính theo quy mô tổng sản phẩm quốc nội, Việt Nam là nền kinh tế đứng thứ 46 trên thế giới. Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở thuộc loại cao trên thế giới (chiếm khoảng 200% GDP). Đặc biệt, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế có khả năng cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ hơn. 

Nhận diện rõ những điểm yếu

Một số chuyên gia nước ngoài cho rằng, Việt Nam có triển vọng trở thành một trong những nền kinh tế nổi bật nhất châu Á, bất chấp thách thức và khủng hoảng từ dịch Covid-19.

Tuy nhiên, những điểm yếu của nền kinh tế chúng ta cũng bộc lộ rõ. Đó là thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam hiện nay vẫn thuộc loại trung bình thấp so với các nước trong khu vực, chỉ cao hơn các quốc gia khác như: Timor Leste,  Campuchia và Myanmar. So với các nước ASEAN-6, mức thu nhập này có khoảng cách khá xa, chỉ bằng 4,5% của Singapore, 8,4% của Brunei, 23% của Malaysia, 34,2% của Thái Lan, 65% của Indonesia, 79,2% của Philippines. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước ASEAN. Nhiều mặt hàng sản xuất xuất khẩu của Việt Nam có giá trị gia tăng trong nước thấp, trong đó chủ yếu thực hiện chức năng lắp ráp… Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam vẫn còn hiện hữu nếu Việt Nam không kịp thời đổi mới về cơ cấu kinh tế và nâng cao chất lượng tăng trưởng trong thời gian tới. Những điều này đã được Đảng, Nhà nước ta nhận diện rõ.

Giữa vô vàn thách thức và cơ hội đan xen, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam từng bước định vị được vị trí của mình, xác định rõ tầm nhìn, lợi ích, mục tiêu quốc gia, cả trước mắt và lâu dài. Việt Nam cũng chủ động đón bắt cơ hội, chế ngự và vượt qua thách thức để thể hiện vai trò, trách nhiệm, thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế để xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Từ ngày 25-1 đến 2-2, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra. Để từng bước khắc phục những điểm yếu đã được nhận diện, chúng ta có niềm tin vào đại hội lần này của Đảng thông qua chủ đề: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Tin cùng chuyên mục