Khởi động thu hút các dự án hạ tầng ngầm

Khởi động thu hút các dự án hạ tầng ngầm

* Ngày 22-10-2008, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo “Những bài học quốc tế về các công trình quốc tế và Việt Nam về công trình ngầm đô thị” do Tổng hội Xây dựng, Sở Xây dựng TPHCM, Viện Nghiên cứu phát triển hạ tầng, Tạp chí Người Đô thị, Công ty Apave, Công ty Vincom… phối hợp tổ chức.

* Đây được xem là bước khởi động trở lại để thu hút và triển khai các dự án đầu tư ngầm đô thị tại TPHCM và các đô thị khác tại Việt Nam. Các nhà đầu tư rất quan tâm đến các dự án này, nhưng đòi hỏi Việt Nam phải có một chính sách toàn diện mới có thể triển khai hiệu quả và an toàn.

Thất bại vì chưa có “bản đồ đô thị công trình ngầm”

Khởi động thu hút các dự án hạ tầng ngầm ảnh 1
Công trình miệng hầm Thủ Thiêm đang xây dựng tại quận 1. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Cho đến nay, trên địa bàn TPHCM mới chỉ có một dự án hạ tầng ngầm đô thị đang triển khai là đường hầm Thủ Thiêm. Thế nhưng, dự án này cũng đang gặp nhiều khó khăn do một số đốt hầm bị nứt, quá trình triển khai dự án có những vấn đề về địa chất, do chưa có bản đồ địa chất nên không lường được khó khăn.

Dự án Metro số 1 cũng đã được khởi động và đang trong giai đoạn thiết kế khả thi… Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Quảng, cố vấn Công ty Apave Việt Nam & Đông Nam Á và ông Nguyễn Công Phú, Giám đốc Apave đều cho rằng Việt Nam chưa có công trình ngầm đúng nghĩa.

TS Lê Khắc Hiệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vincom đưa ra góc nhìn: Không gian ngầm đô thị không chỉ là những công trình mang tính hạ tầng kỹ thuật (hệ thống đường dây, đường ống, các tuyến đường tàu điện ngầm, bãi đậu xe, hầm đường ô tô, đường bộ...) mà còn có thể là những tổ hợp trung tâm thương mại, trung tâm sinh hoạt cộng cộng, vui chơi giải trí, những công trình đa chức năng...

Đối với 8 dự án bãi đậu xe ngầm đã được TPHCM quy hoạch và kêu gọi đầu tư từ năm 2004, nhưng đến nay vẫn chưa có dự án nào được triển khai. Ngoại trừ dự án bãi đậu xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám đã hoàn thành nghiên cứu khả thi, còn các dự án khác đều chưa hoàn thiện.

Thậm chí, dự án bãi đậu xe Lam Sơn đã được một nhà đầu tư đeo đuổi trong nhiều năm, chi phí hàng triệu USD cho khảo sát, thiết kế nhưng cuối cùng chính lãnh đạo TPHCM đã không dám cho triển khai, chấp nhận đền bù thiệt hại vì không lường trước được những nguy cơ có thể xảy ra đối với các công trình kiến trúc xung quanh khi triển khai dự án. Thất bại của dự án này không chỉ gây thiệt hại về tiền bạc và cơ hội cho nhà đầu tư, mà còn mất nhiều cơ hội và thời gian đối với quá trình phát triển đô thị tại TPHCM.

Ông Nguyễn Văn Quảng nhận xét, thực tế triển khai một số dự án như Đông Tây, thi công hệ thống thoát nước của dự án Môi trường TP lưu vực Thị Nghè-Nhiêu Lộc… đã bị chậm, vì có nguyên nhân thiếu sự phối hợp giải quyết các công trình ngầm nằm trong hệ thống. Mới đây, đơn vị thi công đường ống thoát nước trong dự án Nhiêu Lộc-Thị Nghè tại TPHCM bằng phương pháp kích đẩy, đã phát hiện bao nhiêu loại chướng ngại vật trong lòng đất, kể cả bom mìn. Có loại dây cáp lớn làm hỏng cả đầu khoan của khiên, không khắc phục được đành phải bỏ lại khoảng 150m ống bê tông cốt thép Þ 3m trong lòng đất và dự án bị đình hoãn.

Đó là chưa kể nguồn nhân lực có trình độ và am hiểu trong thiết kế, thi công các công trình ngầm đô thị hiện nay đang thiếu, do trước đây chưa có nơi đào tạo. Do vậy, chỉ cần thi công một số công trình ngầm dân dụng như tầng hầm các toà nhà cao tầng tại khu vực quận 1, quận 3, quận 5… đã có nhiều sự cố lúc sụt, ảnh hưởng đến các công trình đã xây dựng xung quanh.

Động thái mới và cơ hội đầu tư

Theo quy hoạch, TPHCM sẽ xây dựng 4 tuyến tàu điện ngầm: Bến Thành-Tân Sơn Nhất (11 km), Bến Thành-Bình Tây- Phú Lâm- An LẠc (15km), Bến Thành-Thủ Thiêm, Bến Thành-Nam Sài Gòn. Đồng thời, các dự án bãi đậu xe cũng đang là điểm nóng mà TPHCM muốn đầu tư nhanh vì lượng xe hiện nay rất lớn, vào khoảng 370.000 xe đăng ký của TP và 40.000 xe của các tỉnh vào thành phố mỗi ngày. 8 dự án bãi đậu ngầm đã quy hoạch trước đây là Công trường Lam Sơn, Công viên Chi Lăng, Công viên Lê Văn Tám, Công viên Bách Tùng Diệp, sân vận động Hoa Lư, sân bóng đá Tao Đàn, đại lộ Nguyễn Huệ, bãi đỗ xe 116 Nguyễn Du. 

Tại cuộc hội thảo, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong và ngoài nước như Pháp, Trung Quốc, Malaysia, Singapore đã nêu nhiều kinh nghiệm từ các nước đã thành công trong việc xây dựng các công trình ngầm đô thị như: nhà ga và hệ thống metro; bãi đậu xe; hệ thống hầm đi bộ (giao lộ khác mức có tầng hầm hay cầu vượt); hệ thống hộp kỹ thuật đặt ngầm…

Theo đó, các chuyên gia cũng chỉ ra cho thấy, với quy hoạch các dự án ngầm hiện có, cần phải tính toán lại để quy hoạch này có thể phát triển cả trong tương lai. Đây là việc làm rất cần thiết, nhưng rất khó vì việc lưu trữ hồ sơ tài liệu về thiết kế và xây dựng các loại công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị bị thất lạc rất nhiều. Hệ thống mạng lưới cấp thoát nước qua bao nhiêu thời kỳ, qua chiến tranh... bây giờ khó lòng mà biết cụ thể được. Bao nhiều loại đường ống, bao nhiêu vật chướng ngại dưới lòng đất, phải khảo sát thật kỹ mới xác định được. Nhưng đây là việc phải làm.

Quyết tâm này dường như cũng lay động đến lãnh đạo TPHCM, mà cụ thể là Sở Xây dựng TPHCM, một trong những đơn vị đồng tổ chức buổi hội thảo này. Và các nhà đầu tư cũng quan tâm đến những cơ hội tham gia các dự án đầu tư hệ thống ngầm đô thị mới bắt đầu giai đoạn manh nha. Trong đó, có thể kể đến việc xây dựng các nút giao thông quan trọng.

Thực tế trên địa bàn TPHCM hiện có 1.200 giao lộ, trong đó có 320 giao lộ quan trọng trên 75 tuyến đường chính. Dự kiến sẽ có 4 nút giao thông quan trọng thường gây ùn tắc hiện nay, sẽ được xây dựng hệ thống giao thông ngầm. Đó là nút Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Lý Chính Thắng, Điện Biên Phủ-Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai-Cách Mạng Tháng Tám, quảng trường Dân Chủ.

Đến nay, ngoại trừ dự án tại công viên Lê Văn Tám đang giai đoạn nghiên cứu thiết kế khả thi thì dự án tại công trường Lam Sơn đã bị đình trệ, dự án tại đại lộ Nguyễn Huệ chuyển về đường Tôn Đức Thắng. Tuy nhiên, các dự án này đang được UBND TPHCM yêu cầu thẩm định lại có nên xây dựng ngầm hay không, và ý kiến của nhiều chuyên gia là nếu xét về mức độ hiệu quả lâu dài thì xây dựng ngầm tốt hơn. Đó là chưa kể hệ thống hộp kỹ thuật đặt ngầm đang được xây dựng ở các khu đô thị mới và kế hoạch ngầm hóa tại các khu vực đô thị cũ.

Rõ ràng, quá trình phát triển đô thị tại TPHCM đang có những yêu cầu cấp bách đối với các dự án hạ tầng xây dựng ngầm để thành phố phát triển bền vững, không bị ô nhiễm, giao thông không ùn tắc, đảm bảo vẻ đẹp mỹ quan chung. Đó cũng là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.

Nguyên nhân sự chậm trễ và thất bại của nhiều công trình ngầm, chính là do TPHCM hiện nay chưa có “bản đồ đô thị công trình ngầm” của khu đô thị hiện hữu. Do vậy, quá trình quy hoạch các dự án đã không lường hết các hệ thống ngầm hiện có, khiến các dự án đang triển khai bị động khi gặp sự cố “đụng” các công trình ngầm, nhưng không biết của ai quản lý để mời đến cùng phối hợp giải quyết.

Đồng thời, TPHCM cũng chưa có quy hoạch không gian ngầm nên các khảo sát về địa chất chưa có, cũng đã làm các dự án khó khăn khi triển khai, thậm chí là có những dự án đã không thể cho triển khai sau một thời gian nghiên cứu vì không ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra. 

VĂN THIÊN LỘC

Tin cùng chuyên mục