Nếu nhìn lại 5 năm qua, từ 2008 đến nay, nền kinh tế đang có những bước đi chậm lại, thậm chí có những mặt thụt lùi. Khoảng cách giữa chúng ta so với thế giới và khu vực ngày càng giãn ra. Tuy nhiên, nếu tất cả cùng vào cuộc mạnh mẽ, chúng ta sẽ lấy lại nhuệ khí cho doanh nghiệp (DN), phục hồi nền kinh tế.
Chuyển đổi nợ xấu
Trước những khó khăn của nền kinh tế vĩ mô, vấn đề đặt ra hiện nay là làm gì để đưa nền kinh tế vượt thoát khó khăn? Về ngắn hạn, tất cả những giải pháp, kể cả Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ đã đề ra cho năm nay phải được hoàn tất về mặt định tính, văn bản, chậm nhất là trong tháng 6 này. Tất cả phải sẵn sàng để cuối năm 2013 đi vào hành động.
Các vấn đề chính cần tập trung giải quyết bao gồm: Chính phủ tiếp tục xử lý 90.000 tỷ đồng nợ xây dựng cơ bản của các DN trong năm nay. Đối với các chủ trương về giảm thuế để tăng sức lực cho DN, nên chuẩn bị kỹ và đến hạn là thực hiện ngay để góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực. Phát hành trái phiếu Chính phủ để tăng tổng cầu về giao thông, y tế và một số lĩnh vực thực sự cần thiết cho sản xuất và đời sống. Triển khai nhanh việc chuyển nợ xấu của các DN sang Công ty Quản lý tài sản (VAMC) để tạo điều kiện cho DN có thể tiếp cận được vốn vay càng nhanh, càng tốt; càng nhiều, càng hay. Cùng với đó, điều chỉnh linh hoạt hơn tỷ giá để theo hướng khuyến khích xuất khẩu nông - thủy sản, ĐBSCL, miền Bắc và các khu vực chúng ta đang có nhiều lợi thế trong xuất khẩu. Điều chỉnh một bước những tư tưởng chỉ đạo theo tinh thần tăng tổng cầu, khôi phục “sức khỏe” cho DN nhằm tạo niềm tin và nhuệ khí phấn đấu cho DN.
Cần hết sức chú ý, phải tăng được tổng cầu, cải thiện sức mua bằng cách giúp vốn ngân hàng ra được để bảo đảm tăng tổng cầu. Tiếp tục giảm chi phí, xử lý nợ xấu nhanh. Thủ tục xử lý nợ xấu phải bảo đảm giải quyết được vấn đề, tức là phải giúp DN giảm được nợ xấu, vì nếu giảm được nợ xấu, DN mới vay được vốn.
Tập trung hành động
Về dài hạn, phải tập trung trên cơ sở đề án tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện nhanh các đề án nhánh, kể cả ngành, vùng, lãnh thổ và đơn vị. Cần có sự chỉ đạo thống nhất và kiên quyết từ trên xuống, gắn với cổ phần hóa, sắp xếp DN cũng như sắp xếp hệ thống tổ chức ngân hàng, tín dụng. Đối với những ngân hàng yếu kém, cần có biện pháp xử lý dứt điểm trong năm 2013. Đồng thời sắp xếp lại các tập đoàn, trong đó nên chọn ra một số tập đoàn để làm điểm trong năm nay. Ngoài ra, phải quyết tâm để lộ trình thoái vốn được thực hiện trôi chảy đến năm 2015. Từ đó, hình thành kế hoạch khôi phục và cơ cấu lại nền kinh tế trong 3 năm, từ năm 2013 đến năm 2015.
Mặt khác, trong chỉ đạo, trước hết phải thống nhất việc nhận diện tình hình, kể cả đời sống, sức khỏe DN trên cơ sở số liệu chuẩn mực và có độ tin cậy cao. Tiếp đến phải minh bạch, công khai, công bằng trong điều hành. Cuối cùng, phải làm thế nào để việc bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội, HĐND các cấp tạo nên một phong cách, lề lối chỉ đạo với sinh khí mới, nhuệ khí mới, lòng tin mới, góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi nền kinh tế.
Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là nhiều DN không còn nhu cầu vay vốn, tức khả năng hấp thụ vốn của DN bị tê liệt. Do đó phải tiến hành sắp xếp lại DN, nếu DN nào bế tắc, không thể làm ăn được nữa thì chấp nhận giải thể hoặc chuyển hướng kinh doanh.
Có 2 cách giải quyết hàng tồn kho, đó là tăng sức mua (tăng việc làm, tăng lương cho người lao động, mở ra công trình để tạo công ăn việc làm, từ đó đẩy sức mua lên) hoặc giảm chi phí (giảm lãi suất, các thủ tục hành chính). Ngoài ra, với thị trường bất động sản hiện nay, dù gói hỗ trợ tài chính 30.000 tỷ đồng đã được công bố và có hiệu lực, nhưng để sử dụng hết gói tín dụng đó vẫn còn “mệt” và mất nhiều thời gian. Vì thế, để gói chính sách này đi vào cuộc sống phải nhanh chóng giải tỏa vướng mắc về vấn đề thủ tục, điều kiện thực hiện phải được triển khai nhanh. Cuối cùng, việc phân bổ nguồn lực liên quan đến quyền lợi nên phải minh bạch, công khai, công bằng, tránh cục bộ và lợi ích nhóm.
Từ nay đến cuối năm không còn nhiều thời gian, do đó không nên nói nhiều nữa mà phải tập trung hành động. Những giải pháp mà Chính phủ đề ra và Quốc hội thảo luận cơ bản đầy đủ, vấn đề là phải cụ thể hóa và hành động. Nếu tất cả cùng vào cuộc mạnh mẽ, DN mới tiếp cận được vốn, phục hồi sản xuất. Đó là điều kiện bảo đảm để phục hồi nền kinh tế, lấy lại niềm tin, lấy lại nhuệ khí cho DN.
CAO SỸ KIÊM
(Đại biểu Quốc hội, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)