Khởi sắc du lịch canh nông: Bài 1: “Đánh thức” những vùng đất cằn cỗi

Những ấp đảo xa xôi, bản làng heo hút… đã và đang được du khách “đánh thức” qua mô hình du lịch canh nông.

LTS: Ngày nay, du lịch canh nông không còn mới mẻ, khi xu hướng về với thiên nhiên, tham gia vào chuỗi canh tác nông nghiệp ngày càng được du khách yêu thích. Mối “lương duyên” của 2 ngành du lịch và nông nghiệp góp phần thúc đẩy kinh tế các địa phương phát triển bền vững. Chuỗi sản phẩm du lịch canh nông đã làm “thay da, đổi thịt” nhiều vùng đất nghèo khó ngày trước.

Ngọt ngào du lịch Thiềng Liềng

Bình minh chưa ló dạng, tiếng gà gáy, tiếng người dân í ới gọi nhau đi làm… Nghe tiếng nói cười rộn ràng của diêm dân, anh Nguyễn Quang Hanh đến từ Nam Định, cũng theo bà con trải nghiệm cuộc sống thường nhật tại điểm du lịch ở ấp Thiềng Liềng (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM). “TPHCM có sản phẩm du lịch nông nghiệp thế này rất thú vị. Sáng đạp xe tham quan cánh đồng muối, tìm hiểu thêm về các loại rau rừng, cách chế biến nước sâm, si rô… giúp cuộc sống nhẹ nhàng hẳn”, anh Hanh tâm tình. Trải nghiệm nghề nông là một trong những mô hình du lịch cộng đồng của TPHCM, mở cửa đón khách cuối tháng 12-2022. Đây được coi là nỗ lực làm mới sản phẩm của ngành du lịch TPHCM.

Tham quan ruộng muối tại ấp Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ, TPHCM) Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tham quan ruộng muối tại ấp Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ, TPHCM)

Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo chị Mười Giạ, gia đình chị chủ yếu làm muối, nay làm thêm hướng dẫn viên đón du khách trải nghiệm ẩm thực miệt vườn, không gian nghề muối cũng thấy thú vị mà có thêm thu nhập. Trong khi đó, với những món ăn dân dã như ốc len, gà ủ muối, vịt nước mặn, bạch tuộc nhúng lá me non…, nhà ông Năm Đỗi (huyện Cần Giờ, TPHCM) cũng đón nhiều du khách ghé thăm và thưởng thức đặc sản địa phương dịp cuối tuần hoặc kỳ nghỉ lễ. Dù mô hình du lịch gắn kết nông nghiệp, canh nông được ngành du lịch TPHCM triển khai chưa bao lâu, nhưng đã nhận được sự quan tâm thực sự của người dân, du khách gần xa.

Du lịch kết hợp trải nghiệm nghề làm muối hiện đã có 16 hộ dân ở huyện Cần Giờ tham gia. Các hộ tự tin hướng dẫn du khách tham quan đảo và trải nghiệm làm diêm dân. “Cái khó là phải kiên trì, chăm chút món ăn, điểm dừng chân, nghỉ ngơi của du khách. Phải tạo sản phẩm độc lạ để cuốn hút những vị khách đã chấp nhận giá vé ca nô không rẻ từ xã Lý Sơn đến đây”, chủ hộ làm muối Chín Thơ tâm sự.

Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, trong năm 2023, ngành du lịch TPHCM đã chủ động kết nối, làm phong phú các điểm đến, đa dạng sự lựa chọn của du khách. Điển hình như nối điểm tham quan Khu du lịch sinh thái Dần Xây - Khu du lịch sinh thái Vàm Sát - Du lịch cộng đồng Thiềng Liềng - Núi Giồng Chùa với làng bè nuôi hàu dọc sông Đồng Tranh - chợ hải sản Đồng Hòa - Làng nuôi yến Tam Thôn Hiệp… Ngành du lịch phát triển tuyến đường thủy, theo cung đường bến Bạch Đằng hoặc bến phà Bình Khánh (huyện Nhà Bè) - Tam Thôn Hiệp - Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ), tạo tiện lợi cho du khách.

Khi nông dân dạy sinh viên

Bắt đầu hoạt động từ năm 2022, mô hình du lịch học tập cộng đồng ở huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) là điểm hẹn lý tưởng của nhiều du khách gần xa. Khu vườn tạp của gia đình bà Huỳnh Thị Xuân (trú thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc) giờ đã xum xuê cây trái. Đến đây, du khách trở thành nông dân trồng rau. Họ được chủ vườn chỉ dẫn cách cuốc đất, trồng, tưới nước và chăm bón các loại cây. Sau khi trải nghiệm, du khách được thưởng thức những loại trái cây do chính nông dân chăm bón. Với nông dân, việc gánh nước, chăm bón cây trồng có lẽ đã quen nhưng với du khách là một trải nghiệm lạ và có khi là khó.

Khu du lịch Mèo Vạc - Hà Giang. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Khu du lịch Mèo Vạc - Hà Giang. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Du lịch học tập cộng đồng cũng là bài học cho học sinh, sinh viên thực tập. “Trường học” là làng quê, núi rừng, còn “thầy giáo” chính là những nông dân, nghệ nhân… Điển hình như ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc có cộng đồng bà con Cơ Tu làm nghề dệt thổ cẩm, đan lát. Học sinh, sinh viên, du khách khi đến tham quan, ngoài thưởng thức âm vang cồng chiêng rộn rã, cùng những câu hát hào sảng của đồng bào Cơ Tu trong điệu múa Tung Tung Da Dá, còn được đồng bào hướng dẫn nhảy sạp, thưởng thức sản vật địa phương. “Chúng tôi dẫn khách tham quan nhà Gươl, giảng giải về phong tục tập quán của bà con. Mặc dù đây là thu nhập không thường xuyên nhưng góp phần cải thiện thu nhập cho người dân làm du lịch trong thôn xã”, ông A Lăng Mỹ (trú thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc) chia sẻ.

Theo TS Chu Mạnh Trinh, cán bộ quản lý Khu bảo tồn Cù Lao Chàm (Quảng Nam), du lịch học tập cộng đồng là một hình thức đặc biệt. Yếu tố học tập được thể hiện thông qua các mối quan hệ, tương tác giữa người chủ và khách trên nền tảng của nông nghiệp, nông thôn và nông dân cũng như cộng đồng có không gian sinh thái, văn hóa bản địa. Du khách nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng vừa hiểu thêm nông dân, văn hóa của họ, học hỏi những kinh nghiệm thực tế, vừa chia sẻ những kiến thức, những tiến bộ khoa học với nông dân.

“Lạc lối” ở cực Bắc

Hua Tạt, Hoài Khao là một trong những điểm đến du lịch dễ khiến du khách say đắm đến “lạc lối”, bởi phong cảnh non nước hữu tình, cuộc sống yên bình. Thời gian qua, nhiều du khách chọn nơi đây làm điểm lưu trú yêu thích ...

Từ một bản làng nghèo khó, heo hút, giờ đây bản Hua Tạt, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn. Ngoài thiên nhiên trong lành, Hua Tạt còn có những homestay (mô hình lưu trú nhà dân) độc đáo mang đậm phong cách kiến trúc của đồng bào người Mông bản địa. Người khởi đầu trong phong trào du lịch cộng đồng ở Hua Tạt và góp phần đem tới sự thay da, đổi thịt ở vùng đất này là Tráng A Chu.

A Chu có nhiều cái chữ hơn chúng bạn, song sau khi tốt nghiệp đại học ở Hà Nội, anh chọn du lịch làm lĩnh vực khởi nghiệp tại chính nơi mình sinh ra. Trong 2 năm đầu, vợ chồng chật vật vì vừa hạn chế tài chính, vừa chưa có kinh nghiệm. Dần dà, anh chị kéo được khách đến do biết khai thác tốt màu sắc văn hóa bản địa bằng không gian, cảnh quan và tập tục của dân tộc mình.

Món ăn phục vụ khách ở homestay của A Chu do chị Hàng Thị Sua, vợ anh, chế biến từ nguyên liệu bản địa như gà xương đen, lợn bản, rau củ… A Chu cũng lập đội văn nghệ “cây nhà lá vườn”, tối tối biểu diễn những bài nhạc truyền thống, thổi khèn, sáo Mông, đàn môi. Khách còn được trải nghiệm vẽ sáp ong trên vải, làm bánh dày, giã gạo, chơi các trò chơi dân gian. Trong cuốn sách Những câu chuyện về du lịch Việt Nam do Tổ chức Du lịch thế giới phát hành, Homestay A Chu được nhắc đến như một nơi phải đến, một điểm du lịch sinh thái tiêu biểu.

A Chu còn hướng dẫn anh em, họ hàng xung quanh cùng phát triển mô hình homestay. Các cháu, con, anh trai của A Chu cũng theo anh dựng nhà làm du lịch. Gần nhà A Chu có Tráng A Trư cũng vừa trồng đậu, trồng gừng và gây dựng homestay A Tàng bắt đầu đón khách từ cuối tháng 8-2022. Bản Hua Tạt nghèo khó giờ là một trong những điểm dừng chân thú vị với xóm homestay mang đậm bản sắc dân tộc.

Ngược lên khu vực Đông Bắc, nằm nép mình trong một thung lũng mênh mông, bao quanh là đại ngàn Phja Oắc - Phja Đén, xóm Hoài Khao (xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) là nơi sinh sống của đồng bào Dao Tiền, với hơn 34 nóc nhà, 200 nhân khẩu. Hội đủ thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa bản địa đặc sắc, nhưng Hoài Khao vẫn nghèo bởi lối sống khép kín theo kiểu tự cung, tự cấp.

Ông Đào Nguyên Phong, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình, chia sẻ, ban đầu, cán bộ phải thuyết phục từng hộ dân, rằng muốn cuộc sống ấm no hơn thì không thể chỉ đi làm nương, rẫy. Nhờ đó, bà con dần dần tiếp cận chuyện du lịch cộng đồng; đưa chuồng trại ra khỏi nơi sinh sống để làm homestay. Xóm lập các tổ, đội cung ứng dịch vụ, sản phẩm trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu du khách. Thu nhập bà con Hoài Khao trở nên khấm khá hơn.

Tin cùng chuyên mục