Khởi sắc du lịch canh nông - Bài 2: Hướng tới nền nông nghiệp - du lịch xanh

Vực dậy kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương là những gì du lịch canh nông đã và đang mang lại cho nhiều tỉnh, thành cả nước. Đây cũng là một hướng đi bền vững cho một nền nông nghiệp - du lịch xanh đúng nghĩa.

Doanh thu bạc tỷ

Lâm Đồng là địa phương đầu tiên trong cả nước thí điểm mô hình du lịch canh nông (kết hợp du lịch và sản xuất nông nghiệp). Năm 2015, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn, nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm mới phục vụ du lịch, tạo thêm nguồn thu nhập, giải quyết việc làm và quảng bá nông sản địa phương. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, quá trình triển khai đã phát sinh những bất cập, khó khăn liên quan đến tiêu chí về xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, tỷ lệ công trình có mái và không có mái che trên đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, chuyển đổi đất nông nghiệp thành phi nông nghiệp... Trong bối cảnh đó, một số nhà đầu tư vào Đà Lạt đã “làm liều”, không thực hiện đầy đủ thủ tục pháp luật về đầu tư dự án du lịch, có dấu hiệu xây dựng công trình và chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định.

Điển hình như dự án đầu tư du lịch canh nông Malakai của Công ty TNHH Malakai (phường 10, TP Đà Lạt) đã tự ý xây dựng nhiều hạng mục tiền chế làm nơi lưu trú, nên bị buộc tháo dỡ diện tích vi phạm hơn 3.400m2; hay như dự án điểm du lịch canh nông Vườn Thượng Uyển Bay (phường 10, TP Đà Lạt) cũng bị xử phạt, cưỡng chế nhiều hạng mục khi chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư…

Du khách tham quan vườn bí ngô Thiên Nga tại nông trại trên đường Cam Ly, phường 7, TP Đà Lạt. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Du khách tham quan vườn bí ngô Thiên Nga tại nông trại trên đường Cam Ly, phường 7, TP Đà Lạt. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Tháng 9-2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có chỉ đạo tạm thời chưa xem xét chấp thuận chủ trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng điểm du lịch canh nông trên địa bàn. Đến tháng 4-2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp mới ký quyết định quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, các tiêu chí về xây dựng vẫn là “rào cản” triển khai du lịch canh nông. Với phần lớn diện tích là đất nông nghiệp, nhưng theo tiêu chí thì phải có giấy phép xây dựng (đối với điểm có công trình xây dựng) và thực hiện công tác nghiệm thu công trình trước khi đưa vào sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng, cho biết, sở đã chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo quyết định ban hành Quy chế Đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2023-2030 và gửi Sở Tư pháp thẩm định nội dung trước khi tham mưu UBND tỉnh quyết định ban hành quy chế này. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cũng vừa chỉ đạo, trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm về đầu tư và quản lý hoạt động du lịch canh nông trên địa bàn cần nêu rõ, những gia đình có sẵn tài nguyên du lịch canh nông không cần lập dự án đầu tư nhưng phải đăng ký kinh doanh. Đây cũng là hướng mở để người dân có thể tập trung đầu tư hạ tầng, đón khách tham quan.

Cuối tuần qua, khi tham quan TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), chị Phan Thị Hoa, ngụ TPHCM, rất bất ngờ trước khung cảnh nhà xưởng cà phê bạt ngàn tại điểm tham quan Thúy Thuận (thôn 1, xã Tà Nung), do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thúy Thuận Đà Lạt đầu tư. Ở trang trại này, chị Hoa được tìm hiểu quy trình sản xuất, phân biệt các loại cà phê arabica, robusta, cherry..., cũng như lần đầu thấy những cây cà phê trĩu trái đỏ mọng. Hiện nơi đây là điểm đến của nhiều đoàn khách muốn trải nghiệm du lịch canh nông khi đến Đà Lạt.

Có mặt tại Nông trại cún Puppy Farm, du khách dễ bị ngợp bởi không gian sắp xếp những sản phẩm nông nghiệp tại đây. Nằm dọc bên con đường Cam Ly (phường 7, TP Đà Lạt), nông trại hơn 4ha chia làm 2 khu tách biệt. Đầu tiên là khu tiếp đón, không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc sản địa phương, khu tham quan vườn hoa các loại cùng lạc đà, ngựa lùn, chó cảnh, chuột cảnh… Nhưng, sức hút lớn nhất vẫn nằm ở khu sản xuất cà chua, bí, sen đá và dâu tây hơn 2ha. Theo bảng chỉ dẫn từng phân khu, khách có thể trải nghiệm, tìm hiểu quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tự lựa chọn hái dâu tây, thưởng thức sản phẩm vừa thu hoạch ngay tại vườn. Chị Nguyễn Thái Linh (đến từ Nha Trang), nhận xét: “Mô hình vừa canh tác, vừa đón khách tham quan khá thú vị, nhất là quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”. Theo bà Nguyễn Vũ Quỳnh Như, quản lý điểm tham quan này, năm 2022 nơi đây đã đón hơn 200.000 lượt khách.

Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2018-2020, tổng doanh thu từ các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn đạt gần 250 tỷ đồng. Sản phẩm du lịch canh nông đã phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử địa phương, ổn định cuộc sống của người dân, từng bước đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Đặc sắc du lịch miệt vườn

ĐBSCL hiện có khoảng 43 điểm du lịch tiêu biểu, phần lớn trong số đó là du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp. Các địa điểm này được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL và các cơ quan quản lý tại địa phương phối hợp, xét công nhận theo điều kiện chung và tiêu chí bình chọn được các tỉnh thành thống nhất. Từ đầu năm đến nay, ĐBSCL đón trên 27 triệu lượt khách tham quan. Nhiều doanh nghiệp ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ… cũng đầu tư các khu du lịch sinh thái thuần nông nghiệp, nông thôn rất đặc sắc.

Sự đặc sắc được thể hiện qua chăm chút của chủ đầu tư từ chi tiết nhỏ nhất, như vùng Phong Điền (Cần Thơ) nổi tiếng với bánh khéo, trái cây theo mùa, sông nước hữu tình, tiểu cảnh tái hiện đời sống Nam bộ xưa; vùng Tiền Giang, Vĩnh Long tái hiện những lối đi trồng hoa mười giờ, cảnh đặt vó trên kênh, cảnh đặt lờ bắt cá lúc bình minh ló dạng; vùng Đồng Tháp nổi tiếng với những vườn hoa, đầm sen khoe sắc bốn mùa để du khách tha hồ check-in… Chị Rose, du khách Australia, hào hứng: “Ở những điểm du lịch, chúng tôi không chỉ tham quan, chụp ảnh mà còn được hái trái cây, ăn cá đồng, trải nghiệm trồng rau cải, lội đồng cấy lúa…”.

Tại Kiên Giang, mỗi năm, trước khi vào vụ sản xuất, trang luamua.net đều đăng kế hoạch, khung thời gian hoạt động cho du khách: từ gieo mạ, nhổ cấy bằng tay, chăm sóc, thu hoạch, đập lúa, phơi, xay gạo thủ công, nấu cơm, đến thưởng thức các loại rau dại, cá đồng. Đó cũng là cách làm du lịch kết hợp sản xuất lúa độc đáo của anh Lê Quốc Việt (37 tuổi, khu phố Minh Phú, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) mà mọi người vẫn quen gọi là “Tư Việt lúa mùa”. Anh Việt ấp ủ xây dựng một trung tâm bảo tồn văn hóa lúa mùa để vừa thu hút khách vừa không làm mai một nét đẹp văn hóa nông nghiệp.

Các khu du lịch dưới tán rừng như: Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), rừng tràm Trà Sư (An Giang), U Minh Thượng (Kiên Giang), U Minh (Cà Mau) ngày càng hấp dẫn du khách với cảnh quan hoang sơ và hàng chục món ăn đặc sản tôm, cá… Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho rằng, du lịch sinh thái là xu hướng tích cực, nhưng sự phát triển quá nhanh mà thiếu quy hoạch đồng bộ sẽ ảnh hưởng đến đời sống dân cư, văn hóa bản địa. Do vậy, cần bảo tồn song hành với bảo vệ môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục