Chiều 21-5, trao đổi với báo chí về những tình tiết mới liên quan đến vụ tàu du lịch mang ký hiệu BD 0913 của Khu du lịch Dìn Ký bị chìm lúc 19g ngày 20-5 tại xã Bình Nhâm, huyện Thuận An (tỉnh Bình Dương), làm 16 người chết và mất tích, đại tá Nguyễn Hoàng Thao, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết: Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án với tội danh “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; đồng thời tạm giữ hình sự lái tàu và người quản lý nhà hàng Dìn Ký để điều tra làm rõ vụ án.
Trong khí đó, đến 15g 30 cùng ngày, Đội thợ lặn thuộc Phòng Cứu hộ, cứu nạn (Sở Cảnh sát PCCC TPHCM) đã vớt được 15 thi thể nạn nhân. Hiện còn 1 nạn nhân là bé gái 9 tuổi chưa tìm thấy xác…
Tang tóc bến du lịch Bình Nhâm
Suốt đêm 20 sang đến ngày 21-5, không khí tang tóc phủ khắp bến tàu du lịch Bình Nhâm. Hai bên bờ sông đoạn thuộc ấp 4, xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn TPHCM) và xã Bình Nhâm (huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương) có hàng trăm người dân tới chứng kiến cảnh vớt xác các nạn nhân từ con tàu xấu số dưới lòng sông lên.
Ngay trên bến nhà hàng Dìn Ký, người thân các nạn nhân đặt một bàn thờ nghi ngút hương khói, bên cạnh là 16 bảng tên với những dòng chữ: bác Ba, bác Tư, bá Sơn, bé Đạt, bé Khánh, bé Hoa… Bà Nguyễn Thị Đào (ngụ thị xã Thuận An), là mẹ của nạn nhân Trần Thị Hà (34 tuổi) ngồi bệt xuống sàn gỗ thảm thiết gọi tên con, khấn lậy mong sớm tìm được xác. Ngồi góc bàn phía ngoài là ông Quách Lương Tài (quốc tịch Trung Quốc, Giám đốc Công ty Lan Anh) mắt đỏ hoe, thẫn thờ nhìn dòng nước chảy siết, phía dưới có vợ, 2 con, 2 anh ruột, mẹ vợ, bác vợ và bao người thân khác vẫn chưa được vớt xác lên. Giọng lơ lớ tiếng Việt đứt quãng, anh nghẹn ngào nói: Tôi mất hết rồi, không còn gì nữa…
13g7 phút, qua loa phóng thanh, lời trung tá Nguyễn Trung Nghĩa, Chủ nhiệm Công binh Bộ Tư lệnh TPHCM – người chỉ huy trực tiếp tại hiện trường vớt xác các nạn nhân vang lên từ giữa sông: “Một bé trai, một phụ nữ được vớt lên”. Trên bến, tiếng khóc la thảm thiết của người thân các nạn nhân lại cất lên, làm nhiều người chứng kiến đã không cầm được nước mắt. Nước sông bắt đầu chảy siết, kíp thợ lặn Nguyễn Chí Thành phải ngoi lên thay bình oxi và đổi kíp lặn Phùng Văn Chí.
Vị trí chiếc tàu xấu số nằm sâu 21,6 m, đầu xoay về hướng TPHCM, đuôi nghiêng hẳn ra giữa sông. Để tiếp cận được phòng VIP ở tầng 1, các thợ lặn đã phải dùng xà beng đập tung cửa chính để lần lượt đưa xác các nạn nhân lên. Đến 15g30, thi thể nạn nhân thứ 15 được vớt lên. Trên bờ, giọng một người đàn ông thảm thiết kêu lên: “Còn cháu tôi nữa sao không đưa lên. Cháu ơi cháu ở đâu mà mẹ lên rồi, cháu vẫn chưa lên…”.
Dù đã nỗ lực lặn xuống nhiều lần, song thi thể cháu Phạm Xuân Hạnh, 9 tuổi vẫn không tìm thấy. Các lực lượng cứu hộ phải chuyển sang phương án trục vớt tàu, di chuyển toàn bộ phương tiện lên bờ, kết thúc cuộc tìm kiếm các nạn nhân xấu số vào lúc 16g cùng ngày.
Nhiều tình tiết vụ án chưa được làm rõ
Trao đổi với báo chí về nguyên nhân dẫn đến lật tàu du lịch Dìn Ký, ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Bước đầu, các cơ quan chức năng tại hiện trường xác định nguyên nhân chính vụ tai nạn là do thời tiết, và đây là vụ tai nạn đáng tiếc, lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Dương với số người chết và mất tích quá lớn.
Về quy trình vận hành, xuất bến đối với tàu du lịch Dìn Ký, ông Nam khẳng định không có gì sai, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng neo đậu, khai thác, quản lý các bến du lịch, nhà hàng trên sông Sài Gòn. Qua vụ việc này, tỉnh sẽ tiến hành ra soát toàn bộ các bến sông và tạm thời dừng hoạt động của các tàu du lịch, nhà hàng nổi trên sông để kiểm tra lại quy trình xuất bến, neo động và hoạt động kinh doanh du lịch trên sông. Nếu phát hiện có sai trái, sẽ xử lý nghiêm.
Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết, tài công Lê Văn Đức không có bằng lái hành nghề điều khiển tàu thuyền. Khi tàu vừa dời bến khoảng 15 phút thì gặp mưa to, gió lớn, tài công xử lý kém, không có các biện pháp khẩn cấp để điều khiển chiếc tàu ra khỏi vùng gió xoáy. Khi tàu nghiêng và từ từ chìm, toàn bộ thủy thủ, tài công và nhân viên nhà hàng còn đứng ở bên ngoài và trên tầng hai, đã nhảy xuống sông thoát thân, bỏ mặc thực khách trên tàu.
Có thông tin nói, trên tàu chỉ cò vài chiếc phao cứu sinh và được để trên mạn tàu tầng hai, phía dưới tầng một nơi có phòng VIP mà các nạn nhân dự tiệc sinh nhật không có chiếc phao nào. Về nguồn tin này, Cơ quan điều tra cho biết sẽ kiểm tra lại toàn bộ thiết bị trên tàu khi tàu được trục vớt lên, và đúng như nguồn tin trên thì vụ việc sẽ thêm phức tạp, có liên quan đến nhiều cá nhân và tổ chức trong việc kiểm tra, quản lý, điều hành tàu du lịch trên sông này.
Cũng liên quan đến trách nhiệm của chủ phương tiện, một cán bộ Cảng vụ đường thủy nội địa Khu vực 3 (xin giấu tên), xác nhận tàu du lịch BD 0913 đã hết hạn đăng kiểm vào ngày 28-1-2011. Theo quy định, việc gia hạn đăng kiểm phải được thực hiện ngay sau khi hết hạn mới được xuất bến. Thế nhưng, không hiểu sao tàu BD 0913 hàng ngày vẫn xuất bến, có chuyến chở theo cả trăm du khách ăn uống trên tàu mà không bị cơ quan chức năng nào kiểm tra, phát hiện, xử lý. Đây là một thông tin rất quan trọng phục vụ công tác điều tra làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc để xảy ra vụ tai nạn thảm khốc trên.
Để hỗ trợ gia đình các nạn nhân, UBND tỉnh Bình Dương hỗ trợ mỗi nạn nhân 4,5 triệu đồng. Khu du lịch xanh Dìn Ký hỗ trợ toàn bộ tiền mai táng và đưa các nạn nhân về quê an táng.
Ngay trong chiều 21-5, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã thưởng nóng 50 triệu đồng cho lực lượng cứu hộ tham gia tìm kiểm và vớt xác các nạn nhân. Tham gia cứu hộ các nạn nhân có hơn 30 thợ lặn chuyên nghiệp thuộc Đội thợ lặn, Phòng Cứu hộ, cứu nạn (Sở Cảnh sát PCCC TPHCM).
HOÀI NAM – CHÍ THỊNH