Trong bất cứ hoàn cảnh nào, yếu tố kịp thời và chính xác luôn là điều kiện cần mà các cơ quan chức năng buộc phải tính tới khi muốn thông tin đến công chúng. Đáng tiếc, không ít trường hợp, thông tin chỉ vì đáp ứng yếu tố kịp thời mà thiếu tính chính xác đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng và thiệt hại nặng nề. Tin tức liên quan đến dịch khuẩn E.coli hoành hành ở các quốc gia châu Âu gần đây là một điển hình.
Gần 2 tháng trước, ngày 28-5, một nhà khoa học Đức tuyên bố phát hiện nguồn gốc khuẩn E.coli từ… dưa chuột Tây Ban Nha. Chả nói ai cũng biết người tiêu dùng hoang mang ra sao trước thông tin này. Lời đồn cứ thế lan xa. Hậu quả là chính phủ 9 nước châu Âu cấm hoặc hạn chế nhập khẩu rau quả từ Tây Ban Nha.
Vài ngày sau, ngày 1-6, lại cũng một nhà khoa học Đức khác “giải oan” cho dưa chuột Tây Ban Nha. Nay, ngày 6-7, Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha Rosa Aguila chính thức yêu cầu EU bồi thường 80 triệu EUR vì những thiệt hại mà ngành nông nghiệp nước này phải gánh chịu sau giả thuyết vội vàng của EU.
80 triệu EUR có lẽ chỉ là mức bồi thường tượng trưng mà Tây Ban Nha yêu cầu vì nó thấp hơn nhiều so với mức thiệt hại mỗi tuần 200 triệu EUR mà hiệp hội sản xuất rau quả của nước này đưa ra. Đây cũng không phải lần đầu tiên Tây Ban Nha đòi EU bồi thường.
Tháng trước, sau khi kết luận “giải oan” của nhà khoa học Đức, Tây Ban Nha đã đề cập đến trách nhiệm của EU nhưng cơ quan này làm lơ, chẳng hề đưa ra một lời xin lỗi. Sau đó, “thủ phạm” được chuyển sang cho giá đỗ làm tại Đức (với hạt giống có xuất xứ từ Trung Quốc). Dư luận thêm một lần nữa hoang mang.
Kịch bản cũ tái diễn, các nhà khoa học lại đính chính giá đỗ không phải là nguyên nhân dẫn đến dịch E.coli. Rồi gần đây, quả bóng E.coli đã được chuyển sang hạt cà-ri nhập từ Ai Cập. Kết luận cuối cùng vẫn chưa có nhưng hậu quả trước mắt đối với ngành nông nghiệp Ai Cập sẽ không nhỏ vì EU quyết định cấm nhập khẩu một số loại hạt và đậu từ nước này (trong đó có hạt cà-ri, đậu tương…) đến cuối năm nay.
Còn nhớ, Đại hội đồng Nghị viện Ủy ban châu Âu tại phiên điều trần đầu năm 2010 đã đưa ra kết luận về một chiến dịch lừa đảo gần như hoàn hảo của các công ty chế xuất dược phẩm liên quan đến dịch cúm A/H1N1. Những ảo thuật gia đã biến bệnh cúm nguy hiểm cấp trung bình thành đại dịch toàn thế giới, đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho các hãng bào chế dược phẩm, gây tốn kém lớn đối với hầu hết các quốc gia khi đổ xô mua thuốc tiêm ngừa. Đến giờ, vẫn chưa có ai chịu trách nhiệm.
Thông tin liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng luôn đòi hỏi độ chính xác cao. Tuy nhiên, thông tin sai lệch có thể gây thiệt hại vật chất nặng nề, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu sản phẩm của cả một quốc gia hay khu vực. Trường hợp E.coli, tất cả vẫn chỉ là nghi vấn, nhưng thiệt hại đối với nhà sản xuất lại có thật. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai đe dọa nguồn cung thực phẩm trên toàn thế giới thì việc lãng phí trên là điều không nên có và khó chấp nhận.
Như Quỳnh