Khốn đốn với... điều

Khốn đốn với... điều

Càng gần cuối năm, nhu cầu tiêu thụ nhân điều trên thế giới tăng cao, thế nhưng các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu điều lại “kêu trời”! Nợ ngân hàng, giá xuất giảm mạnh, nguồn nguyên liệu thiếu trầm trọng… khiến hàng loạt nhà máy chế biến điều điêu đứng. Trong khi đó, nhiều người dân cũng chán nản phá bỏ vườn điều.

Khó khăn chồng chất

Khốn đốn với... điều ảnh 1

Điều rớt giá khiến doanh nghiệp và nông dân khốn đốn. Ảnh: N.Minh

Ở 2 xã Hàng Gòn và Bình Lộc - nơi có diện tích điều lớn nhất thị xã Long Khánh (Đồng Nai), những ngày này người dân “ngán ngẩm” cây điều vì giá xuống thấp.

Ông Bùi Văn Phú, ở xã Hàng Gòn, chua chát: “Năm nay thời tiết diễn biến thất thường khiến vụ điều thất bát. Cả vườn điều rộng đến 2ha nhưng thu hoạch chưa đầy 2 tấn, giảm khoảng 40% so vụ mùa 2007”.

Cùng với thất mùa thì giá điều năm nay ở mức thấp, bình quân chỉ 7.000đ - 8.000đ/kg (điều thô), trong khi chi phí phân thuốc, xăng dầu… tăng cao nên người dân trồng điều lời rất ít. Không riêng gì Đồng Nai, người dân Bình Phước, Bình Dương… cũng thờ ơ với cây điều.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) cho biết: “Hiệu quả kinh tế từ cây điều quá thấp nên bà con không còn tha thiết nữa, hàng trăm héc ta điều đã bị chặt hạ để chuyển sang trồng cây khác. Lãnh đạo xã thấy xót nhưng không có cách giữ lại”.

“Song hành” cùng những nỗi khổ của nông dân là hàng trăm doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều cũng chung số phận “tiêu điều”. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, 9 tháng đầu năm 2008 các doanh nghiệp đã vay ngân hàng khoảng 7.500 tỷ đồng với mức lãi suất cao từ 1,75% - 2%/tháng.

Vào thời điểm quý 3 buộc phải thanh toán nợ cho ngân hàng, do không tiền xoay trở nên nhiều doanh nghiệp buộc lòng bán tháo nhân điều ra thị trường để duy trì hoạt động. Các nhà nhập khẩu trên thế giới nắm được điểm yếu này đã liên tục “ép” giá từ 7,7 - 7,9 USD/kg xuống còn 5,5 - 6,5 USD/kg. Với mức giá trên thì hầu như doanh nghiệp không lời, thậm chí lỗ do chi phí đầu vào và lãi suất ngân hàng cao.

VINACAS thừa nhận, việc nhiều doanh nghiệp bán tháo điều với giá thấp là do bất khả kháng. Thực tế nhiều doanh nghiệp cũng muốn trữ hàng lại để chờ dịp lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch 2009, khi nhu cầu tiêu thụ nhân điều ở châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản… tăng mạnh. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp nâng giá bán và chi phối thị trường bởi Việt Nam là nước xuất khẩu điều hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, vấn đề này đã không thể thực hiện do nội lực của doanh nghiệp yếu kém, công tác điều tiết thị trường hạn chế… đã dẫn đến những tổn thất cho ngành điều. Ông Nguyễn Đức Thanh, quyền Chủ tịch VINACAS cho rằng, đa số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều trong nước thuộc quy mô nhỏ nên gặp rất nhiều khó khăn trước tác động lãi suất cao vừa qua.

Đã có một số doanh nghiệp bị khách hàng dọa kiện vì giao hàng chậm hoặc hàng không đạt chất
lượng. Cũng từ những khó khăn trên mà giá xuất khẩu điều của Việt Nam thấp hơn giá xuất của Ấn Độ, Brazil… khoảng 500 - 800 USD/tấn trở lên, điều này cho thấy sự thua thiệt về giá trị
thời gian qua rất lớn.

Nguy cơ nhà máy điều “ngồi chơi xơi nước”

Thêm vấn đề đau đầu là hàng loạt nhà máy chế biến điều ở Bình Dương, Bình Phước, Long An, Đồng Nai… đang lâm vào cảnh thiếu nguyên liệu trầm trọng. Theo Bộ Công thương, mỗi năm cả nước cần khoảng 600.000 tấn điều thô để chế biến xuất khẩu. Riêng sản lượng trong nước chỉ đáp ứng khoảng 350.000 tấn, còn lại 250.000 tấn phải nhập khẩu.

Năm 2008, thời tiết không thuận lợi nên sản lượng điều ở Đông Nam bộ và Tây Nguyên giảm từ 30% - 40%, có nơi giảm đến 70% - 80%... khiến tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng hơn. Ngoài ra, giá nhập điều thô tăng cao trong khi giá xuất nhân điều thì ngược lại, vì thế các doanh nghiệp đành “chết đứng”!

Ông Nguyễn Đức Thanh thừa nhận trong 200 nhà máy chế biến điều hiện nay thì hầu hết khốn đốn. Những doanh nghiệp nhỏ đã kiệt sức, nguy cơ từ 60% - 80% nhà máy đóng cửa ngưng hoạt động là chuyện hiển nhiên. Nếu điều này xảy ra sẽ kéo theo 300.000 công nhân ngành điều thất nghiệp. Những ngày qua đã có nhiều nhà máy đóng cửa, cho công nhân “ăn tết sớm”!

Trước hàng loạt khó khăn trên, VINACAS kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp những tháng cuối năm. Theo đó, ngân hàng tính toán cho giãn nợ từ 3-6 tháng và giảm lãi suất. Xin lùi thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 sang tháng 6-2009. Kiến nghị giảm thuế nhập khẩu điều thô nguyên liệu từ 5% hiện nay xuống 0% nhằm giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.

Cũng theo VINACAS, về lâu dài ngành điều vẫn chưa hết khó khăn, nhất là về vốn và nguyên liệu. Hiện tại, diện tích điều ở Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương… ngày càng thu hẹp sẽ là mối lo lớn cho những doanh nghiệp và nguy cơ năm 2009 nhà máy phải “ngồi chơi xơi nước” là rất lớn. Để tháo gỡ việc này, theo ngành nông nghiệp cần gấp rút nâng cao giá trị cây điều. T

hạc sĩ Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai cho biết: “Chúng tôi vừa thử nghiệm chương trình thâm canh nâng cao năng suất cây điều bằng việc áp dụng cách làm mới như sử dụng giống năng suất cao, cắt tỉa cành, tạo tán, phun xịt thuốc BVTV, bón phân cho vườn điều…

Kết quả đạt từ 3- 3,5 tấn/ha, cao gần gấp đôi so trồng bình thường. Nếu bán được giá thì khả năng cho thu nhập từ 35- 40 triệu đồng/ha là không khó”. Ngoài ra, có thể trồng thêm ca cao xen với vườn điều, phải tăng được thu nhập thì người dân mới giữ lại cây điều. Và khi đó các doanh nghiệp chế biến điều sẽ giảm được áp lực thiếu nguyên liệu, chủ động sản xuất tăng sức cạnh tranh.

Trong 9 tháng đầu năm 2008, các doanh nghiệp đã xuất trên 125.000 tấn nhân điều, đạt kim ngạch 696 triệu USD, tăng 52% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, VINACAS thừa nhận, 2008 là năm đầy khó khăn đối với ngành điều khi lãi suất ngân hàng quá cao, nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 40%, công lao động tăng trên 30%... dồn các doanh nghiệp vào tình thế khó khăn.

Hiện ngành điều đang cần cơ quan chức năng “giải cứu” nhưng với những gì đang diễn ra thì năm 2008 ngành điều khó đạt mục tiêu xuất khẩu 940 triệu USD. Đồng thời khó gia nhập “Câu lạc bộ 1 tỷ USD” vào năm 2009, nếu cung cách làm ăn không thay đổi, không mạnh dạn đột phá vươn lên và thiếu một cơ chế kích cầu.

NG. DUY -  N. MINH (SGGP 12G)

Tin cùng chuyên mục