Khốn khổ vì tiếng ồn

Cuộc sống trong khu dân cư trở nên ngột ngạt, nhà không còn là nơi mà mọi người muốn trở về sau ngày làm việc, ai cũng bị thiếu ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe… Đó là lời than thở của nhiều cư dân TPHCM về nỗi khốn khổ do các nhà hàng, vũ trường kinh doanh gây ồn quá đáng.
Khốn khổ vì tiếng ồn

Cuộc sống trong khu dân cư trở nên ngột ngạt, nhà không còn là nơi mà mọi người muốn trở về sau ngày làm việc, ai cũng bị thiếu ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe… Đó là lời than thở của nhiều cư dân TPHCM về nỗi khốn khổ do các nhà hàng, vũ trường kinh doanh gây ồn quá đáng.

Bị quán bia, vũ trường tra tấn

Lâu nay, TPHCM đã quá ô nhiễm tiếng ồn từ hoạt động của các cơ sở sản xuất, xe cộ, karaoke gia đình, hát dạo bán kẹo kéo, chợ búa, quán nhậu vỉa hè… Trào lưu câu lạc bộ bia du nhập vào nước ta càng làm người dân ở TPHCM phải chịu trận thêm về nạn ô nhiễm tiếng ồn. Khi các quán bia trong phòng kín không còn hút khách, nhiều quán bia chuyển sang thiết kế theo phong cách mở, gần gũi với thiên nhiên, sử dụng âm thanh như các vũ trường. Các hộ dân sống xung quanh bị đinh tai nhức óc, không sao ngủ được. Bà Hoàng Thị Thu, cư dân cạnh quán  Fox Beer Lounge (số 11-21 Hàm Nghi, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) phản ánh: “Đêm nào quán bia cũng chơi DJ, hát hò đủ kiểu, dù gia đình tôi ở cách đó mấy căn mà âm thanh dội vào còn không chịu nổi”. Quả thực, chỉ cần đi ngang qua đây, người đi đường đã đủ choáng váng bởi âm thanh từ quán Fox Beer Lounge dội ra ầm ĩ. Cũng khốn khổ vì tình cảnh như vậy, cư dân gần quán POC POC Beer Garden (39 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3) muốn “phát điên” với âm thanh phát ra từ quán này mỗi đêm, do quán cũng thiết kế không gian mở. Rất nhiều loa được gắn trên tường và mở với công suất lớn, cùng tiếng hò hét của thực khách, trở thành nỗi ám ảnh của các cư dân.

Đêm nào quán Fox Beer Lounge cũng chơi DJ, hát hò ầm ĩ, khiến cư dân quanh đó rất khốn khổ.

Suốt 3 năm nay, kể từ tháng 5-2012, 12 hộ dân ở đường Lê Lai (quận 1) phải chịu cảnh ồn ào từ điểm kinh doanh vũ trường của Công ty TNHH Fuse (138 Lê Lai, phường Bến Thành, quận 1). Bà H.T.N. bức xúc: “Từ khi đi vào hoạt động, vũ trường này trở thành nỗi ám ảnh của người dân xung quanh. Nhất là từ nửa đêm đến 2 giờ sáng, dù ở trong nhà mình nhưng chúng tôi cảm giác như đang đứng trong vũ trường với âm thanh dội thình thịch, chát chúa”. Tình trạng này kéo dài khiến người già và trẻ nhỏ thiếu ngủ, các cháu không thể tập trung học tập, nhiều người chịu không nổi phải đóng cửa nhà để đi thuê trọ nơi khác. Dù phía vũ trường Fuse đã làm vách cách âm nhưng chẳng giảm ồn được bao nhiêu. Một kiểu “cưỡng thính” khác: Cư dân gần quán ốc Minh Anh (192A Nguyễn Thị Định, phường An Phú, quận 2) bị “hành hạ” do quán trang bị nhạc sống, tổ chức chương trình hát với nhau. Tối nào cũng vậy, những thực khách đã có hơi men cũng thi nhau lên hát om sòm, khiến không ai ngủ được.

Lẽ nào chính quyền bó tay?

Đối với trường hợp gây tiếng ồn trong hoạt động kinh doanh vũ trường của Công ty TNHH Fuse, cư dân xung quanh đã nhiều lần làm đơn phản ánh chính quyền địa phương, từ cấp phường, cấp quận, đến thành phố nhưng đều không hiệu quả, mà còn gặp phải sự thách thức, đe dọa từ người của vũ trường. Các ban ngành liên quan của UBND phường Bến Thành, UBND quận 1 và Thanh tra Sở VH-TT đều đã vào cuộc nhưng vũ trường này vẫn ngoan cố, không chấp hành. Từ tháng 1-2014 đến tháng 5-2015, đội kiểm tra liên ngành văn hóa xã hội quận 1 và UBND phường Bến Thành đã kiểm tra 8 lượt, tham mưu UBND quận 1 ban hành 8 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Fuse, với tổng số tiền phạt trên 372 triệu đồng (trong đó có 6 lần vì vi phạm hoạt động vui chơi quá giờ quy định). Thế nhưng, cuối tháng 6-2015, khi đội kiểm tra liên ngành văn hóa xã hội quận và UBND phường Bến Thành kiểm tra Công ty TNHH Fuse lần nữa thì vẫn tiếp tục phát hiện nhiều vi phạm, trong đó có vi phạm về hoạt động quá giờ quy định. UBND quận 1 đã yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Fuse, xử lý nghiêm các vi phạm. Ông Đoàn Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Thành, cho biết: “Sắp tới, phường sẽ tiếp tục mời một đơn vị độc lập tới đo tiếng ồn và mời đại diện Công ty Fuse lên làm việc. Đồng thời, giao công an phường trực chốt để kịp thời nhắc nhở nếu Fuse hoạt động quá giờ quy định”.

Ông Hoàng Lê Phương, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú, cũng cho biết từ tháng 1-2015 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành quận 2 và phường An Phú đã nhiều lần kiểm tra xử phạt quán ốc Minh Anh về việc không tuân thủ theo giấy phép kinh doanh và an toàn thực phẩm. Về vấn đề gây tiếng ồn trong khu dân cư, vì địa điểm này rất gần nút giao thông lên đường cao tốc, lưu lượng xe lớn, nên việc đo độ ồn sẽ không được khách quan, nên các đơn vị chức năng chưa thể phạt đối với vi phạm này.

Xem ra các biện pháp xử lý của các địa phương đều chưa kiên quyết và không căn cơ. Vì lợi nhuận, các quán bia, vũ trường sẽ còn tiếp tục gây ồn và chấp nhận phạt. Lẽ nào cứ để mặc cư dân phải sống trong cảnh khốn khổ, bất an vì bị tra tấn tiếng ồn?

THU HƯỜNG


Hạn chế ô nhiễm tiếng ồn do sản xuất ban đêm

Trong thời gian gần đây, Báo SGGP liên tục nhận được nhiều thông tin phản ánh, đơn khiếu nại của cư dân các quận - huyện ở TPHCM về việc nhiều cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư hoạt động vào ban đêm, gây tiếng ồn khiến cư dân mệt mỏi, mất ngủ.

Không thể chịu đựng nổi tiếng ồn từ cơ sở sản xuất dệt kim của ông Đào Trung Kiên ở địa chỉ 232/44 Tô Hiệu (phường Hiệp Tân, quận Tân Phú), cư dân chung quanh đó liên tục gửi đơn cầu cứu. Theo phản ánh của người dân, cơ sở dệt kim này luôn mở máy hoạt động gây ồn ào cả khu dân cư suốt ngày đêm, càng về đêm càng hoạt động nhiều máy hơn. Cư dân ở tổ 1, ấp 2, đường Tân Liêm (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) cũng phản ánh về việc cơ sở dệt bao PP Bùi Phượng Khánh gây ô nhiễm tiếng ồn và cả ô nhiễm khí thải, nước thải. Phải chịu khổ gần 10 năm nay, ông Đỗ Thành Vân (ngụ sát vách cơ sở) than: “Ban ngày cũng như ban đêm đều bị “tra tấn” không thể nào ngủ được. Thời gian gần đây, càng về đêm thì tiếng ồn từ cơ sở sản xuất này càng lớn hơn. Cả xóm chịu hết nổi, phải kéo nhau qua gõ cửa cơ sở nhưng không ai ra và tiếng ồn cũng không giảm. Người dân cầu cứu chính quyền địa phương nhưng không thấy ai xử lý”.

Phóng viên Báo SGGP đã gặp lãnh đạo chính quyền phường Hiệp Tân và xã Phong Phú để tìm hiểu về việc giải quyết tình trạng ô nhiễm tiếng ồn ở 2 cơ sở sản xuất nêu trên. Ông Phan Minh Thắng, Chủ tịch UBND phường Hiệp Tân, cho biết: Đầu năm 2015, UBND phường có nhận được đơn phản ánh của cư dân xung quanh về việc cơ sở của ông Đào Trung Kiên hoạt đồng gây ồn. Ngay sau đó, UBND phường đã kết hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Tân Phú kiểm tra xử lý. Đo tiếng ồn thì không vượt ngưỡng cho phép, do vậy UBND phường chỉ có thể nhắc nhở chủ cơ sở sản xuất hạn chế tiếng ồn ban đêm: đóng cửa kín nhằm giảm tiếng ồn do chạy máy dệt gây ra ảnh hưởng đến cư dân; xây thêm lớp cách âm giảm tiếng ồn bằng tôn. Chủ cơ sở cũng cam kết vào ban đêm sẽ hoạt động ít máy lại và làm thêm tường dày để giảm tiếng ồn. UBND xã Phong Phú cũng cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của Báo SGGP, ngày 3-8, UBND xã Phong Phú đã phối hợp cùng cơ quan ngành chức năng liên quan kiểm tra cơ sở dệt bao PP Bùi Phượng Khánh để đo mức ô nhiễm tiếng ồn và không khí xung quanh. Kết quả đo ô nhiễm tiếng ồn chưa vượt ngưỡng. Chủ cơ sở đã cam kết ngưng hoạt động máy trước 20 giờ mỗi ngày và xây thêm bức tường để giảm tiếng ồn.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục