Theo khảo sát được công bố trong Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2019, người dân quan tâm nhiều tới vị trí đại diện cấp khu dân cư và chính quyền cơ sở hơn là các cơ quan cấp quốc gia. Điều này cho thấy, chất lượng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở là điều cần phải đặc biệt quan tâm, chú ý vì đây là những người gần dân, sát dân nhất. Vì lẽ đó, tình trạng một bộ phận cán bộ các cấp tha hóa, có lối sống không gương mẫu, thậm chí vi phạm pháp luật dù là số ít nhưng những “con sâu làm rầu nồi canh” này đã làm xấu đi hình ảnh người cán bộ gương mẫu.
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an), để xảy ra những sự việc như vừa qua, nhất là đối với cán bộ chủ chốt ở cơ sở, một phần do hệ thống giám sát quyền lực vận hành có vấn đề. Nếu người đứng đầu các cấp làm hết trách nhiệm thông qua giám sát, kiểm tra sẽ không có những sự việc đáng tiếc như vừa qua. Do đó, bên cạnh việc tăng cường giám sát thì cần phải quy trách nhiệm, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, loại khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất, tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Việc xử lý nghiêm những cán bộ như vậy sẽ tạo sức giáo dục và răn đe rất lớn.
Nhưng, để xử lý được gốc của vấn đề, không để xảy ra tình trạng cán bộ tha hóa, biến chất thì công tác cán bộ phải được làm thật tốt. Đại diện Bộ Nội vụ cho biết, việc lựa chọn công tác cán bộ ở tỉnh, thành đã được phân cấp và địa phương có trách nhiệm giới thiệu, bầu những người có đủ các tiêu chuẩn cần thiết để đưa vào bộ máy nhà nước. Như vậy, việc để cán bộ thoái hóa biến chất thì trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp là không thể phủ nhận.
Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ “then chốt của then chốt”. Để các nghị quyết đại hội Đảng các cấp đi vào cuộc sống thì đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ cấp ủy đủ bản lĩnh, phẩm chất, trình độ, năng lực ngang tầm để biến những chỉ tiêu, kế hoạch… trở thành hiện thực sinh động. Nhân dân luôn mong chờ bộ máy ở các cấp sẽ được quản lý, lãnh đạo bởi những cán bộ thực sự vì nước, vì dân, những người nói được và làm được. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, người cán bộ phải có đức và tài, có năng lực để giải quyết các vấn đề phát sinh phức tạp, phục vụ yêu cầu chính đáng của nhân dân, giải quyết những vướng mắc, tồn đọng. Để làm được điều đó, mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng phải kiên quyết bằng mọi giá không để lọt những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ… vào bộ máy. Cán bộ được lựa chọn quy hoạch nhất thiết phải bảo đảm các tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực, đủ thời gian rèn luyện, thử thách từ thực tiễn; coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc. Bên cạnh đó, để “nhận diện” được đâu là người cán bộ vì tập thể, không vì lợi ích cá nhân, dòng họ, không phe cánh, bên cạnh việc thực hiện đúng các tiêu chuẩn, quy trình còn cần dựa vào “tai mắt” nhân dân.