Không để lỡ cơ hội

Một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 nhiều khó khăn vừa khép lại sau lưng là đầu tư nước ngoài. Việc nhiều tập đoàn công nghệ vào Việt Nam tìm hiểu cơ hội và đặt nền móng đầu tư đã hứa hẹn một không gian phát triển mới.

Tiềm năng lớn

Ngày 11-12-2023, trong chiếc áo khoác da và đôi giày thể thao, Chủ tịch Tập đoàn Nvidia Jensen Huang, tỷ phú xếp hạng 34 thế giới, bước vào cuộc ăn trưa - làm việc với Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng và đại diện lãnh đạo nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Việt Nam.

Ông hồ hởi chia sẻ về cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày hôm trước và bày tỏ những ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam. Ông Jensen Huang hứa sẽ thành lập pháp nhân ở Việt Nam, mong muốn Việt Nam thành “quê hương thứ 2” của Nvidia.

Sự kiện này không khỏi khiến người ta nhớ lại cách nay gần 18 năm, tháng 4-2006, Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Bill Gates tới thăm Việt Nam. Là người giàu nhất thế giới (theo xếp hạng của Forbes vào thời điểm đó, với giá trị tài sản 50 tỷ USD), ông Bill Gates được kỳ vọng sẽ đưa Microsoft tiếp bước Intel, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin ở Việt Nam, một trong những “thị trường chưa được khai thác lớn nhất châu Á”, như bình luận của nhiều nhà phân tích kinh tế.

Microsoft sau đó đã đầu tư một nhà máy ở Bắc Ninh, thông qua việc mua lại nhà máy của Nokia, quy mô hơn 300 triệu USD và đã mở rộng đáng kể hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Trở lại câu chuyện Chủ tịch Tập đoàn Nvidia, trong cuộc gặp Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tỷ phú Jensen Huang nhận định, làn sóng AI mới chính là “cơ hội phi thường” cho Việt Nam.

a4a-7309.jpg
Sản xuất vi mạch bán dẫn tại Công ty TNHH Điện tử UMC Việt Nam (một doanh nghiệp có vốn FDI tại Khu công nghiệp Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Ảnh: QUANG PHÚC

Tháng 9-2023, trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam, Việt Nam và Mỹ đã chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Hai nhà lãnh đạo ra tuyên bố chung nhấn mạnh một lĩnh vực trọng tâm hợp tác trong thời gian tới là đổi mới sáng tạo và công nghệ cao, trong đó có chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sau đó ít ngày đã có chuyến công du tới Mỹ để tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc. Nhân dịp này, nhiều thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa các đối tác hai bên, hầu hết là những tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ. Giữa tháng 6-2023, một phái đoàn hơn 200 doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đã tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sang thăm Việt Nam, trong số đó có hàng loạt tỷ phú công nghệ.

Nỗ lực khai thác hiệu quả

Sau 35 năm kể từ khi thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã trở thành một điển hình thành công trên toàn cầu trong thu hút đầu tư nước ngoài, và giờ đây đang có cơ hội đón dòng vốn chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp 4.0. Trong cuộc làm việc với Chủ tịch Tập đoàn Nvidia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Việt Nam có đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn”.

Đó là có hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi; lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...

Nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn đã và đang được thiết kế, hoàn thiện. Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. Đặc biệt, vừa qua, Quốc hội đã ban hành nghị quyết cho phép Chính phủ xây dựng nghị định thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, trong đó có các dự án bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Nghị định này dự kiến được ban hành vào giữa năm 2024…

Ghi nhận những điểm cộng này, song các nhà đầu tư cũng thẳng thắn chỉ ra không ít khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và thu hút đầu tư nước ngoài nói riêng. Trong đó, chặng đường cải cách hành chính còn dài và thường phát sinh những vấn đề mới. Quá trình hiện thực hóa tất cả những chính sách ưu đãi (một số vẫn còn đang chờ đợi được ban hành) cũng không ngắn.

Dự báo, năm 2024, doanh thu của ngành công nghiệp bán dẫn sẽ đạt 588 tỷ USD, tăng hơn 13,1% so với năm trước. Đây sẽ là năm phục hồi mạnh mẽ của ngành và là cơ hội lớn của Việt Nam

JOHN NEUFFER, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ

Ông Jensen Huang nhận xét, Việt Nam cơ bản đã có nền giáo dục và hạ tầng tương đối tốt, đặc biệt là đã có kho “tài sản số” ngôn ngữ, văn hóa… phong phú. Song để phát triển trí tuệ nhân tạo, Việt Nam cần xây dựng hệ thống hạ tầng chuyên biệt, bao gồm những siêu máy tính.

Quan trọng không kém, Việt Nam tuy đã có đội ngũ kỹ sư phần mềm hùng hậu, có kiến thức, kỹ năng, nhưng rất cần được đào tạo chuyên sâu và có sự cộng hưởng sáng tạo trong môi trường sinh thái công nghệ... Đây là những mục tiêu đầy thách thức và khó có thể hoàn thành nếu không có nỗ lực vượt bậc của các cơ quan quản lý, hệ thống giáo dục - đào tạo và cộng đồng doanh nghiệp; cũng như sự chung tay từ chính các “ông lớn” công nghệ.

Tin cùng chuyên mục