Quy định 205/QĐ-TW (gọi tắt là Quy định 205) của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống “chạy chức, chạy quyền” được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 23-9. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành quy định về vấn đề này, trong đó chỉ rõ các hành vi “chạy chức, chạy quyền” và các hành vi bao che, dung túng, tiếp tay. Đồng chí Hoàng Trọng Hưng, Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương đã trao đổi với phóng viên Báo SGGP xung quanh nội dung này.
PHÓNG VIÊN: Thưa đồng chí, vừa qua có nhiều cán bộ, trong đó có những cán bộ cấp cao mắc sai phạm, bị kỷ luật. Đồng chí nghĩ gì về thực tế này?
Đồng chí HOÀNG TRỌNG HƯNG: Vừa qua, cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao của Đảng mắc sai lầm và phải xử lý kỷ luật là sự thật đau lòng, là bài học sâu sắc cho công tác quản lý cán bộ. Số cán bộ vừa rồi bị xử lý kỷ luật do nhiều loại sai phạm khác nhau và trong nhiều lĩnh vực. Có những cán bộ lúc được chọn thì đủ điều kiện, tiêu chuẩn, nhưng trong quá trình công tác thoái biến chất, tham ô tham nhũng, vi phạm pháp luật, phải xử lý. Nhiều cán bộ vừa qua sai phạm có cả nguyên nhân từ việc thực hiện chưa tốt việc kiểm soát quyền lực, để cho lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, thậm chí là thao túng quyền lực trong công tác cán bộ, và cả hệ quả của việc “chạy chức, chạy quyền”.
Phải chăng do có những “sản phẩm” của việc “chạy chức, chạy quyền” như vậy nên Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 tại thời điểm này?
Thời điểm này có nhiều cơ sở để Bộ Chính trị ban hành Quy định 205. Thứ nhất, Bộ Chính trị tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương về công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác tổ chức xây dựng Đảng nói riêng. Trong nội dung các nghị quyết của Đại hội XII cũng như một số nghị quyết của Trung ương về tổ chức xây dựng Đảng đã nêu rất rõ vấn kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống “chạy chức, chạy quyền”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ rõ là phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế, phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn, theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ; phải ngăn ngừa tận gốc mọi sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, Nhà nước.
Tại thời điểm này, các cấp ủy đang triển khai Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội XIII của Đảng, trong đó có nội dung chuẩn bị nhân sự cho khóa mới. Do đó, việc ban hành và thực hiện Quy định 205 càng cần thiết đối với công tác nhân sự, góp phần lựa chọn được người đủ tài, đức, phẩm chất, năng lực và uy tín vào bộ máy lãnh đạo khóa mới, không để người chạy chức chạy quyền lọt vào bộ máy cán bộ.
Quy định 205 được lượng hóa, không chung chung, có thể nhận diện rõ thế nào là “chạy chức, chạy quyền”, thế nào là hành vi bao che, tiếp tay cho “chạy chức, chạy quyền”. Tuy nhiên, liệu các hành vi đã được chỉ ra đầy đủ chưa, thưa đồng chí?
Chúng tôi là tổ biên tập trực tiếp tham mưu nội dung này. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến từ các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học, sự tham gia của các cấp ủy địa phương. Quá trình chuẩn bị khá công phu, kỹ lưỡng.
Có thể nói, Quy định 205 là sản phẩm trí tuệ của Đảng nên cố gắng thật cụ thể để làm sao đi vào cuộc sống nhanh nhất, hiệu quả nhất. Vì thế, Quy định 205 đã không còn định tính, chung chung. Ví dụ, về kiểm soát quyền lực, quy định đã đưa ra cách tiếp cận vấn đề kiểm soát quyền lực theo 6 nhóm chủ thể là các tập thể, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác cán bộ, để từ đó quy định cái gì các chủ thể được làm, phải làm và cái gì không được làm để bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, dân chủ; bảo đảm ý kiến của tập thể trong việc lựa chọn người đủ tiêu chuẩn điều kiện vào vị trí của công tác cán bộ.
Với lĩnh vực chống “chạy chức, chạy quyền”, quy định đã nêu rõ hành vi, nhận diện rõ thế nào là “chạy chức, chạy quyền”; thế nào là bao che, tiếp tay cho các hành vi này. Theo đó, có 6 hành vi “chạy chức, chạy quyền”, 8 hành vi bao che, tiếp tay cho “chạy chức, chạy quyền”, trong đó có hành vi “chạy chức, chạy quyền” khá mới là dùng lý lịch xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để mặc cả điều kiện, đòi hỏi một cách vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí chức vụ quyền lợi.
Tôi muốn nhấn mạnh, Quy định 205 là sản phẩm trí tuệ tập thể, quá trình nghiên cứu cũng đã cố gắng để làm sao nhận diện hành vi một cách cụ thể, rõ ràng, dễ phát hiện để mọi người có thể đối chiếu vào các hành vi này, tự soi, tự sửa mình; còn Mặt trận Tổ quốc, nhân dân thì dễ phát hiện, từ đó thông tin, tố cáo đối với cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác, việc quy định các hành vi cụ thể cũng để cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chức năng căn cứ vào các đó để xử lý. Thực tế, có thể vẫn còn những hành vi “chạy chức, chạy quyền” khác và cần tiếp tục được nhận diện. Theo tôi, Quy định 205 cũng đã khá cụ thể, mạnh mẽ, cần thiết và trong quá trình triển khai đi vào cuộc sống, chúng tôi sẽ trình cấp có thẩm quyền bổ sung những hành vi, tình tiết mới, cụ thể hơn.
Quy định 205 liệu đã thực sự là “toa thuốc đặc trị căn bệnh chạy chức, chạy quyền, thưa đồng chí?
Trong quá trình nghiên cứu và tổng hợp kết quả thăm dò dư luận xã hội về những nội dung có liên quan đến công tác cán bộ, chúng tôi nhận thấy cán bộ đảng viên quan tâm nhất là hiện tượng cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất, uy tín nhưng vẫn được quy hoạch, điều động, bổ nhiệm; thiếu dân chủ hoặc dân chủ hình thức; thiếu công khai, minh bạch trong công tác cán bộ; tình trạng ưu ái người thân, người quen cùng quê cùng ngành, phe cánh, con cháu lãnh đạo; tình trạng “chạy quy hoạch”, luân chuyển, bổ nhiệm… Tại một số hội nghị, Tổng Bí thư cũng đã đặt ra câu hỏi “chạy ai, ai chạy”. Quy định 205 đi thẳng vào nội dung này khi đã chỉ ra những người có thẩm quyền, trách nhiệm (nếu có “chạy” thì “chạy” những đối tượng này), còn người “chạy” thì Quy định 205 đã nhận diện rõ.
Đảng ta rất quan tâm đến công tác cán bộ. Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành nhiều văn bản về công tác cán bộ với nhiều quy định ngăn chặn “chạy chức, chạy quyền” và trên thực tế, chúng ta đã ngăn chặn khá hiệu quả việc “chạy ai, ai chạy”. Quy định 205 tiếp tục thực hiện đồng bộ các quy định đã có và theo tôi sẽ giải quyết được tình hình “chạy chức, chạy quyền”.
Để Quy định 205 thực hiện hiệu quả, theo đồng chí cần chú ý những vấn đề nào?
Quy định 205, trong đó làm sao đề cao lòng tự trọng, hình thành văn hóa công tác cán bộ. Quy định có nhiều điều đề cao lòng tự trọng của cán bộ, trách nhiệm nêu gương của người có thẩm quyền cũng như nêu gương của nhân sự. Ví dụ, người có thẩm quyền, trong quá trình thực thi nếu có người nhà, người thân liên quan thì phải chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền để giám sát hoặc rút khỏi vị trí đó nhằm bảo đảm khách quan; hoặc nhân sự thấy mình không đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì không ứng cử hoặc không nhận đề cử. Nếu thực hiện được điều này sẽ tạo môi trường lành mạnh và sự bền vững của công tác cán bộ.
Chúng ta đã từng nói nhiều đến 4 không: “không thể chạy” (các quy định phải chặt chẽ); “không dám chạy” (tính nghiêm minh, sự răn đe, các chế tài); “không muốn chạy” (chính là đề cao lòng tự trọng); “không cần chạy” (thực hiện dân chủ, khách quan, minh bạch, phát huy sức mạnh tập thể trong chọn cán bộ, để người giỏi người tài thực sự được trọng dụng). Như vậy, công tác tuyên truyền là rất quan trọng để tạo ra môi trường như vậy. Cùng với đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của cấp ủy, của tổ chức đảng các cấp; kiểm tra theo định kỳ, đột xuất, cộng với sự giám sát của người dân, của các cơ quan dân cử.