
Trong lúc cả nước đang chuẩn bị cho Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 13 thì Hội Thơ Nguyên tiêu Phú Yên trên núi Nhạn đã bước sang lần thứ 35. Đây là lễ hội thơ đương đại xuất hiện sớm nhất sau ngày đất nước thống nhất. Mùng 4 Tết Ất Mùi vừa qua, đêm thơ truyền thống xã Hòa Đồng đã khởi đầu cho hội thơ toàn tỉnh Phú Yên…
Bước vào đêm Nguyên tiêu, núi Nhạn chật kín người. Đây là ngọn núi duy nhất của cả nước nằm ngay trong lòng trung tâm thành phố, cao gần 60m, chu vi khoảng hơn 1km, trên đỉnh có một ngôi tháp cổ Chăm, bao bọc xung quanh bởi vườn thực vật phong phú chủng loại, nhìn xuống dòng sông Đà Rằng thơ mộng.
Con đường ngoằn ngoèo dẫn lên đỉnh núi dài khoảng 250m, đêm thơ được trang hoàng lộng lẫy cờ thơ và banner in thơ cùng chân dung các nhà thơ từ cổ chí kim. Một không gian thơ kỳ ảo và hoành tráng. Không chỉ có các nhà thơ và đông đảo người nông dân yêu thơ, mà hầu hết các nhà lãnh đạo đầu tỉnh năm nào cũng đều sớm leo bộ lên núi Nhạn nghe thơ, ngắm người đẹp Nguyên tiêu.
Từ đầu thập niên 1980, khi còn là học sinh trung học chuyên văn của tỉnh ở thành phố Tuy Hòa, tôi cùng các bạn trong lớp theo cô giáo chủ nhiệm đến dự các đêm thơ Nguyên tiêu. Bấy giờ, đêm thơ này còn tổ chức ở Thư viện Hải Phú, giữa những cơn gió lạnh len lỏi vào căn phòng ấm áp hoa thơm và bánh mứt, nước trà cùng trái tim thơ của những nhà thơ và những người yêu thơ. Hình ảnh đẹp ấy đã nhen nhóm trong tôi ngọn lửa tình yêu thi ca. Về sau, khi đã vào TPHCM học tập và làm việc, mỗi khi có điều kiện tôi đều tranh thủ về với đêm thơ quê nhà, để được nghe thơ, đọc thơ và gặp gỡ bạn bè trên núi Nhạn.
Từ Thư viện Hải Phú đến đỉnh núi Nhạn, Hội Thơ Nguyên tiêu Phú Yên đã chuyển mình lên những cung bậc mới, sôi động hơn, xúc cảm hơn, thăng hoa hơn, lan tỏa hơn và có tầm văn hóa hơn. Tôi thực sự biết ơn những người đã đề xướng, tổ chức, quảng bá và giữ mãi ngọn lửa thơ Nguyên tiêu Phú Yên. Chính hình ảnh đẹp của đêm thơ quê hương là một trong những động lực lớn đưa tôi dấn thân vào con đường văn chương.
Tôi cũng cảm thấy tự hào khi trò chuyện với các bạn thơ trong và ngoài nước về truyền thống lâu bền của lễ hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên. Từ lâu, các nhà thơ nổi tiếng khắp cả nước đã lần lượt về đây để được sống trong không khí thơ Nhiều nhà văn, nhà thơ trẻ từ TPHCM như mới đây, từ Hà Nội, nhà thơ Đặng Huy Giang - Ủy viên Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam gọi điện cho tôi biết anh sẽ bay vào dự đêm thơ Nguyên tiêu Ất Mùi 2015 trên núi Nhạn mà từ lâu anh mong ước. Rõ ràng, lễ hội thơ độc đáo này đã có nhiều sức quyến rũ, thu hút “anh hào” thi ca bốn phương!
Kể từ khi Ngày Thơ Việt Nam ra đời vào năm 2003 thì tỉnh thành nào trên cả nước cũng tổ chức thơ Nguyên tiêu. Tuy nhiên, không phải ở tỉnh thành nào cũng có được những đêm thơ tổ chức đều khắp ở các huyện, thành phố, thậm chí đến cấp xã phường như Phú Yên xuyên suốt những ngày tết cổ truyền. Thơ đã thực sự thành “món ăn” tinh thần của người dân đất này. Mà hiện tượng ấy đã diễn ra từ lâu, chứ không phải đợi có Ngày Thơ Việt Nam thì các địa phương ở Phú Yên mới tổ chức.
Ngay từ mùng 4 tết hàng năm, Đêm Thơ Tết truyền thống xã Hòa Đồng thuộc huyện Tây Hòa đã khởi đầu lễ hội thơ xuân toàn tỉnh, là dịp quy tụ những người con xa quê thành đạt, hỗ trợ cho các em học sinh nghèo hiếu học. Đêm thơ mùng 4 Tết Ất Mùi 2015 vừa qua, có 40 suất quà đã được tặng cho học sinh nghèo. Nhìn các em nhỏ đen đủi hồn nhiên lên nhận những món quà khích lệ trong đêm thơ, ai cũng xúc động.

Cuộc thi Người đẹp Nguyên tiêu là một phần sinh động của Hội Thơ truyền thống Phú Yên trên núi Nhạn. Ảnh: LÊ MINH
Điều đó chứng tỏ người Phú Yên không chỉ có trái tim nồng nàn đối với “nàng thơ”, mà còn sớm biết cách tôn vinh thơ, biến thơ trở thành một nghi lễ, một sinh hoạt văn hóa truyền thống có tính nghệ thuật, nhân văn lẫn giải trí sau một năm cật lực lao động và chống chọi thiên tai. Không phải ai leo lên núi Nhạn đêm Nguyên tiêu cũng thực sự yêu thơ, nhưng tôi tin rằng không người Phú Yên nào không mong một lần được đến với đêm thơ Nguyên tiêu Núi Nhạn để thưởng thức không gian thơ kỳ ảo dưới ngọn tháp cổ kính linh thiêng. Đó là nét đẹp, sức hút, động lực văn hóa kỳ lạ mà chỉ có đêm thơ Nhạn Tháp mới có được.
Không dừng ở đó. Tiếng vang từ lễ hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên cùng với đêm thơ Nguyên tiêu Quảng Ninh còn là nguyên do quan trọng để Hội Nhà văn Việt Nam quyết định thành lập Ngày Thơ Việt Nam vào rằm Nguyên tiêu hàng năm.
Nhạc sĩ Ngọc Quang - Chủ tịch Hội VHNT Phú Yên cho biết, những người tổ chức luôn cố gắng đổi mới Hội Thơ Nguyên tiêu núi Nhạn. Ngoài những nhà thơ địa phương và trong nước, mấy năm gần đây còn mời các nhà thơ quốc tế, chủ yếu là Hàn Quốc sang tham gia. Chương trình gồm hai đêm mới “tải” hết thơ và giao lưu với các nhà thơ. Dự kiến lễ hội thơ năm nay sẽ có đại diện của 9 thành phố trong và ngoài nước tham dự.
Từ khi Ngày Thơ Việt Nam được thành lập đến nay đã trở thành một lễ hội văn hóa. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau có tỉnh từng bỏ cuộc, đêm thơ chỉ có vài người đọc mà không thu hút được người yêu thơ đến nghe. Mới thấy giữ được truyền thống 35 năm như Phú Yên rất khó. Ngoài nỗ lực của người trong cuộc, lễ hội thơ còn cần nhận được sự hỗ trợ của lãnh đạo chính quyền địa phương và người yêu thơ cùng tham gia.
Thơ Nguyên tiêu không chỉ có triển lãm thơ, hội thảo thơ, thả thơ, đọc hoặc ngâm thơ cho nhau nghe mà còn cần phải có cách tổ chức luôn đổi mới, hành động thơ thiết thực gắn với đời sống dân sinh, tạo thành một động lực văn hóa mang tính cộng hưởng bền lâu trong trái tim con người.
Riêng với Hội Thơ Nguyên tiêu Phú Yên, với bề dày di sản 35 năm, tôi tin những người tổ chức sẽ còn làm được nhiều điều kỳ diệu hơn nữa, hướng tới một festival thơ Việt độc đáo và hoành tráng trong tương lai.
PHAN HOÀNG