Không lơ là, chủ quan trước đại dịch Covid-19

Sáng 28-12, tại hội nghị Chính phủ với các địa phương, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2020 và 5 năm 2016-2020.
Các đại biểu dự hội nghị Chính phủ sáng 28-12
Các đại biểu dự hội nghị Chính phủ sáng 28-12

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, quán triệt phương châm từ đầu nhiệm kỳ là “Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”; năm 2020 Chính phủ đã đề ra phương châm: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” với 138 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; 49 nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh.

Trước tình hình dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thống nhất quan điểm điều hành với tinh thần “khó khăn gấp hai thì phải nỗ lực, cố gắng gấp ba”, quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép"; phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong điều kiện “bình thường mới”.

Chính phủ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trước nhân dân và đất nước, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật; chủ động, tích cực đổi mới, cải cách mạnh mẽ, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt trong điều hành, vừa thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, vừa xử lý kịp thời những vấn đề đột xuất, phát sinh, trong đó nổi bật là chủ động, quyết liệt, ứng phó kịp thời, ngăn chặn, kiểm soát tốt đại dịch Covid-19; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai chủ trương “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”; “kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên”.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng nêu rõ, Chính phủ đã triển khai các chính sách hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp do đại dịch Covid -19; bảo đảm an sinh xã hội và ổn định đời sống cho nhân dân. Năm 2020, trước tác động của dịch Covid-19, với tinh thần nhất quán “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ đã kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ vượt trội, chưa từng có tiền lệ về tài khóa, tín dụng, bảo hiểm xã hội, giảm giá điện, giá cước viễn thông... Tăng cường bảo hộ công dân, tổ chức các chuyến bay đón hơn 75.000 người Việt Nam về nước an toàn. Giai đoạn 2016-2020, các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, giảm nghèo được quan tâm thực hiện đầy đủ; triển khai tích cực Đề án và chủ trương đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Song song với đó, đã củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế trong khi kinh tế thế giới đi vào suy thoái. Khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, từng địa phương và từng vùng; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, thu hút các nguồn lực cho phát triển. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Với phương châm Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, ngay từ đầu nhiệm kỳ và hằng năm, Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, đề ra các giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện các chính sách phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể theo tinh thần Nghị quyết của Đảng. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Thủ tướng đã tổ chức hội nghị trực tuyến để bàn các giải pháp cùng doanh nghiệp “nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”, tiếp tục duy trì tinh thần hứng khởi kinh doanh trong toàn xã hội. Đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Thành lập Tổ công tác về đầu tư để đón đầu làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Chúng ta đã kiểm soát được sự lây lan của Covid-19 trong cộng đồng và phải nỗ lực để không cho dịch tái bùng phát. Hiện vaccine phòng Covid-19 đang tiến triển tốt. Chính phủ nỗ lực để không ai bị bỏ rơi do chi phí vaccine cao vượt khả năng chi trả của người dân".

Bên cạnh đó, đã tập trung rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo… Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử; đổi mới phương thức làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”.

Báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, kỷ cương, kỷ luật hành chính, đổi mới lề lối làm việc trong một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Việc tổ chức thực hiện pháp luật còn chậm. Trách nhiệm của một số bộ, ngành trong phối hợp xử lý công việc chưa cao; còn thiếu quyết liệt, chưa chủ động tìm hướng đi mới, chậm phản ứng trước những vấn đề phát sinh...

Các bài học kinh nghiệm điều hành của Chính phủ được Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, đó là luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội; huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước. Coi trọng công tác dự báo, bám sát thực tiễn; thống nhất cao trong nhận thức và hành động; đề cao tính chủ động, đổi mới, sáng tạo và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành. Khơi dậy truyền thống, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa tốt đẹp, tinh thần nhân ái và niềm tự hào dân tộc, khát vọng phát triển và vươn lên mạnh mẽ. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, từng địa phương; xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường, đổi mới, hội nhập và phát triển. Đặc biệt, biến thách thức thành cơ hội, đổi mới tư duy, cách làm với phương châm phục vụ người dân, doanh nghiệp; tận dụng các cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thích ứng nhanh với bối cảnh mới.

Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm 2021, Chính phủ đề cao tinh thần đoàn kết, kỷ cương; yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, không lơ là, chủ quan trước đại dịch; tranh thủ thời cơ, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới với khát vọng phát triển, tinh thần đổi mới sáng tạo, cải cách mạnh mẽ, quyết liệt hành động hơn nữa. Phát huy trách nhiệm người đứng đầu, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2021, tạo nền tảng vững chắc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

Tin cùng chuyên mục