
Năm 2004, toàn TPHCM chỉ có 8.000 người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện (BHYTTN), đến năm 2005, con số này tăng vọt lên 138.000 người. Riêng số lượng học sinh, sinh viên (HS, SV) tham gia BHYTTN mỗi năm tăng khoảng 50.000 em (năm 2005, số này là 650.000 em). Tuy nhiên, với cách đóng phí và chi trả hiện nay, số này càng tăng thì nhà nước bù lỗ càng nặng. Vậy mà đến năm 2010 phải thực hiện BHYT toàn dân. Đâu là lối thoát?
- Phí chưa bằng một nửa nhưng quyền lợi như nhau

Bệnh nhân đăng ký khám bệnh BHYT tại bệnh viện Nguyễn Trãi. Ảnh: Mai Hải.
Theo ông Bùi Đức Tráng, Phó giám đốc BHXH TPHCM, số người tham gia BHYTTN tăng do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có thể do quyền lợi của người có thẻ BHYT hiện đã được mở rộng rất nhiều; số người dân mắc bệnh ngày càng tăng, nhất là bệnh mạn tính và bệnh nặng, trong khi giá dịch vụ y tế ngày càng cao. Có nhiều trường hợp, nếu không tham gia BHYT, người bệnh khó có khả năng thanh toán.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc liệu sự điều chỉnh mức phí BHYTTN tăng lên 30% (từ 1-1-2006) có gây khó khăn cho các đối tượng BHYTTN diện “cận nghèo”, HS, SV, ông Bùi Đức Tráng cho rằng việc điều chỉnh này đã được tính toán, nó vừa bảo đảm phù hợp với sự vận hành chung của nền kinh tế, đồng thời phù hợp với các điều kiện khám chữa bệnh (KCB) đã được nâng lên, chứ không nhằm để “bảo đảm nguồn quỹ” (dù năm 2005, tổng chi so với số thu đã vượt 120 tỷ đồng; trong đó quỹ KCB cho BHYTTN bội chi 20 tỷ đồng).
Hiện mức phí của BHYTTN chưa bằng 50% của BHYT bắt buộc, nhưng quyền lợi của cả hai đối tượng hoàn toàn như nhau. So với mức phí cũ (ngoại thành: 80.000 đồng/người/năm; nội thành 120.000 đồng/người/năm), sự chênh lệch khi tăng mức phí không nhiều. Mặt khác, qua tìm hiểu của cơ quan BHXH, điều người dân quan tâm nhất không phải việc mức phí tăng, mà chính là chất lượng KCB và thái độ phục vụ của ngành y tế và BHXH.
Rất tiếc, hai vấn đề mấu chốt nói trên lâu nay đều bị người bệnh than phiền. Đâu là nguyên nhân cốt lõi. Lối thoát nào cho việc BHYT toàn dân (BHYT bắt buộc và BHYTTN) vào năm 2010?
- Đổi cách đầu tư và vận hành quỹ BHYT
Theo Nghị định 63/CP, ở một số loại hình KCB, mức thanh toán của BHXH đã thay đổi theo hướng có lợi cho bệnh nhân. Đồng thời, Thông tư liên bộ Tài chính-LĐTB-XH vừa điều chỉnh mức thu một phần viện phí theo Thông tư liên bộ 14 bổ sung, trong đó có một số dịch vụ ở bệnh viện (BV) được BHXH chi trả gần như theo giá thị trường. Tuy nhiên, theo nhận định của những người am hiểu với cơ chế hoạt động của BHXH như lâu nay (BHXH là đơn vị thu phí của người bệnh và thay mặt người bệnh thanh toán một phần viện phí, nhưng nơi có quyền quyết định chất lượng KCB lại là BV) thì bản chất vấn đề vẫn không thay đổi.
Quỹ BHYT hiện nay bao gồm một phần đóng góp của xã hội và một phần đầu tư của nhà nước. Đây là chủ trương xã hội hóa rất đúng đắn, nhưng cách vận hành lại có vấn đề: Phần đóng góp của người dân thì BHXH giữ, còn phần nhà nước bù vào thì lại đưa về các cơ sở cho đầu tư y tế. Tức là quỹ này bị “chẻ” làm hai.
Phần nhà nước đầu tư cho các cơ sở y tế (tính trên đầu người dân) rất lớn nhưng bị dàn trải, manh mún và không được người dân biết đến. Nhiều ý kiến cho rằng nên chuyển việc cấp kinh phí hoạt động thường xuyên cho các cơ sở KCB sang cấp trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng dịch vụ y tế do nhà nước cung cấp thông qua hình thức BHYT. Theo đó, trừ những đối tượng được tặng thẻ, với những người dân còn lại, phần ngân sách bù vào chi phí y tế, nhà nước nên giao cho cơ quan BHXH quản lý.
Với nguồn quỹ này, BHXH sẽ thay mặt người bệnh thanh toán đúng và đủ theo chi phí KCB thực tế. Lúc đó, BV chỉ cần tập trung làm công tác chuyên môn, tăng cường trang bị kỹ thuật và nâng cao tay nghề, nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút bệnh nhân, thay cho việc nhà nước đầu tư manh mún.
“Nên chăng thay vì mỗi năm nhà nước cấp cho mỗi đầu người dân khoảng 150.000 đồng (tính vào chi phí giường bệnh ở các cơ sở y tế), số tiền đó được chuyển qua hình thức cấp 50% trị giá thẻ BHYT. Mỗi người dân chỉ cần góp thêm khoảng 150.000 đồng là đã sở hữu một thẻ BHYT có mệnh giá 300.000 đồng/người/năm. Ai không tham gia xem như không được hưởng phần hỗ trợ của nhà nước. Điều này sẽ kích thích mọi người dân tự nguyện tham gia BHYT…” - ông Bùi Đức Tráng nói.
KIỀU OANH
Một số quyền lợi được mở rộng theo Nghị định 63/2005/NĐ-CP Được thanh toán cho các bệnh bẩm sinh, tai nạn giao thông (không phải là tai nạn lao động); thanh toán cho các trường hợp sinh đẻ (không giới hạn số con), các trường hợp ghép phủ tạng; thanh toán cho 169 kỹ thuật cao theo danh mục. Một số đối tượng chính sách ưu đãi được hưởng tiền vận chuyển khi chuyển viện. Khung giá thanh toán dịch vụ theo yêu cầu riêng cũng tăng (ví dụ nội trú tuyến trung ương từ 720.000 đồng tăng lên 1.080.000 đồng khi điều trị tại các BV thuộc Hà Nội và TPHCM). Quy định về thanh toán kỹ thuật cao: người tham gia cách mạng trước 1945, thương binh thương tật 81% trở lên, Bà mẹ VN anh hùng, người già trên 90 tuổi được thanh toán 100%. Đối tượng còn lại: dưới 7 triệu đồng được thanh toán 100%. Trên 7 triệu đồng được thanh toán 60% chi phí, nhưng tối đa là 20 triệu đồng cho một lần điều trị. |