Không nên quá lo lắng khi học online

Tôi có thể khẳng định: Phụ huynh học sinh cứ yên tâm rằng, học sinh học online có thể tạo nên những thành tích vượt trội nếu học đúng cách, vì trong gần 15 năm phát triển e-learning, chúng tôi đã chứng kiến hàng ngàn học sinh đỗ thủ khoa, á khoa hoàn toàn tự học từ các khóa học online...
Không nên quá lo lắng khi học online

Có thể dẫn chứng mới đây nhất là là câu chuyện của bạn Vũ (sinh năm 1994) là một học sinh của HOCMAI, sau 9 năm xa rời giảng đường, bạn thi lại đại học năm nay đăng ký nguyện vọng vào Đại học Y Hà Nội và đạt được 28,1 điểm khối B. Vậy mới thấy việc học online nếu đúng cách sẽ đem đến kết quả mỹ mãn.

Không nên quá lo lắng khi học online ảnh 1 Ông Đặng Quang Hùng, Phó Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục HOCMAI
Có sự tham gia của nhà trường, các đơn vị cung cấp việc dạy và học online, và sự phối hợp của phụ huynh và học sinh thì việc học online sẽ trở nên nhẹ nhàng mà không phải là nỗi ám ảnh như các bậc phụ huynh vẫn lo lắng. 
Đối với nhà trường và các đơn vị cung cấp dịch vụ học trực tuyến, việc cải thiện chất lượng giảng dạy, tổ chức các hệ thống CNTT tốt, huấn luyện đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao năng lực truyền tải, năng lực CNTT thích ứng với môi trường internet là những hoạt động cốt lõi để mang lại các nội dung học tập chất lượng hơn, qua đó giúp học sinh lĩnh hội tốt  kiến thức.

Cơ bản việc tổ chức học online từ phía nhà trường và đơn vị cung cấp dịch vụ có các cấp độ cụ thể như sau: 

Cấp độ 1: Số hóa một phần học liệu - Đây là cấp độ thấp nhất trong dạy học online. Ở cấp độ này, cơ bản giáo viên sẽ chuyển hóa một số học liệu sang dạng tài liệu online. Tuy vậy, cấp độ này hầu như không tạo ra sự thay đổi trong việc giảng dạy mà chỉ là sự gia tăng tiện ích. Cấp độ này là rất phổ biến ở Việt Nam, rất nhiều trường học sử dụng cấp độ này trong thời gian dịch bệnh bùng phát và học sinh không thể đến trường.

Không nên quá lo lắng khi học online ảnh 2 Học sinh học online cần sự quan tâm của gia đình từ môi trường học tập đến thiết bị cần thiết
Cấp độ 2: số hóa và sử dụng các công cụ quản lý nội dung, công cụ giao tiếp - Đây là cấp độ tiến hóa của cấp độ 1 khi được hỗ trợ bởi nhiều công cụ như các hệ thống quản lý nội dung LMS, các nền tảng giảng dạy (Zoom/Team).
Với cấp độ này, giáo viên bắt đầu tạo ra sự thay đổi khi có thể tổ chức được những buổi giảng bài trực tuyến hay việc giao bài tập, chia sẻ học liệu được tổ chức tốt hơn, chặt chẽ hơn dưới sự hỗ trợ của các công cụ.
Nhưng cấp độ này vẫn chỉ được coi là số hóa học liệu và số hóa hoạt động chứ chưa được coi là chuyển đổi số trong giáo dục, nó hoàn toàn chỉ là online hóa hoạt động offline.

Cuối cùng là cấp độ cao nhất và chuyên nghiệp nhất - cấp độ 3: chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học trực tuyến - Đây là cấp độ cao nhất khi mà ở đó, từ tư duy và tổ chức của nhà trường được tái cấu trúc, các quy trình tác nghiệp được thay đổi để phù hợp với việc tổ chức dạy học trực tuyến. Bản thân giáo viên cũng thay đổi phương pháp luận, phương pháp tiếp cận trong từng bài giảng để thực sự tạo ra một bài giảng online mà vượt qua được tư duy online hóa việc dạy offline.

Trong vài năm gần đây, đặc biệt qua 2 năm ứng phó với dịch Covid-19, có thể thấy rõ sự chuyển hóa mạnh mẽ từ cấp độ dưới lên cấp độ trên, từ nhà trường cho đến các đơn vị làm giáo dục trực tuyến.  Cho nên, biết cách học trong môi trường online sẽ giúp phát triển khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh. Cụ thể, học sinh cần rèn thói quen ghi chép, luôn sẵn sàng vở và bút để ghi chép các điểm quan trọng, các nội dung cần lưu ý.

Bên cạnh đó, tích cực đặt câu hỏi trong các lớp tương tác thảo luận với bạn bè, hỏi thầy cô những nội dung chưa rõ, chủ động phát triển kiến thức thông qua việc tận dụng sức mạnh của internet để tìm kiếm, tham khảo thêm các minh họa, hình ảnh thực tiễn hoặc các tư liệu học tập khác để rèn khả năng tự tìm kiếm, chủ động tìm hiểu và phát triển kiến thức.

Ngoài ra, học sinh nên tích cực tham gia các hoạt động, các dự án hoặc cuộc thi online mà môi trường học cung cấp, và đặc biệt, dù học trong môi trường nào, hình thức nào học sinh cũng cần đảm bảo mỗi kiến thức được tiếp thu cần phải được luyện tập (chịu khó làm bài), hệ thống hóa (ôn lại).

Đối với phụ huynh, dưới tư cách là một chuyên gia, và cũng là một phụ huynh có con đang phải tiếp cận việc học online thì theo tôi, đầu tiên phụ huynh hãy tạo cho con môi trường học tập tốt nhất bao gồm trang thiết bị và không gian học tập yên tĩnh, thoáng đãng. Yêu cầu con xây dựng thời khóa biểu học tập/tự học và sử dụng để giám sát, nắm bắt. Việc đôn đốc, động viên con theo đúng được lộ trình và kế hoạch học tập đề ra là việc cực kỳ quan trọng. Riêng đối với học sinh tiểu học, phụ huynh có thể dành thời gian để học cùng con khi có thể trong vai trò trợ giảng, vừa để đánh giá chất lượng của giáo viên, của chương trình và vừa để hỗ trợ con những kiến thức mà con chưa nắm bắt tốt.

ĐẶNG QUANG HÙNG
Phó Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục HOCMAI

Tin cùng chuyên mục