Không thể cứ thích thì làm

“Thích thì nhích”, “thích là chơi tới bến”… là những câu cửa miệng của không ít bạn trẻ thích thể hiện mình. Và không chỉ có vậy, giới trẻ ngày nay còn ăn theo, bắt chước vô tội vạ trước những vấn đề lớn của đất nước và thế giới.

“Thích thì nhích”, “thích là chơi tới bến”… là những câu cửa miệng của không ít bạn trẻ thích thể hiện mình. Và không chỉ có vậy, giới trẻ ngày nay còn ăn theo, bắt chước vô tội vạ trước những vấn đề lớn của đất nước và thế giới.

Mới đây, khi Quốc hội hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính, giới trẻ lại được phen xôn xao. Ngoại trừ niềm vui có thể hiểu được của những người đã, đang và tính chuyện chuyển giới thì một bộ phận những người trẻ khác cũng “hồ hởi” ăn theo sự kiện này thái quá. “Time for change” (Thời khắc cho sự thay đổi) là cụm từ được nhiều bạn trẻ đăng tải trên mạng xã hội thể hiện sự đồng tình, ủng hộ quyết định này. Cùng lúc, nhiều bạn trẻ ở một số tỉnh thành cũng xuống đường cầm theo biểu ngữ có những dòng chữ như: “Ngày hiện diện”, “Tôi ủng hộ”… Nếu bạn là người chuyển giới hoặc ủng hộ quan điểm này, việc làm trên không có gì đáng nói. Điều đáng nói là nhiều bạn trẻ đã nhân sự kiện trên, ăn theo, cầm bảng chạy hò reo khắp đường phố như mình là người trong cuộc. Một bạn trẻ trên mạng xã hội cho biết, mình xuống đường vì đơn giản: “Nhóm bạn tớ, ai chả xuống đường cho vui, nhỡ đâu lọt vô ống kính hay máy quay của nhà báo, được lên báo, lên đài còn sướng hơn!”.

Trước đó, vụ khủng bố ở thủ đô Paris của nước Pháp khiến cả thế giới bàng hoàng và xót xa. Người dân trên thế giới có nhiều hành động thiết thực để tưởng niệm những nạn nhân, chia sẻ với người dân Pháp và lên án hành động của những kẻ khủng bố. Nắm bắt thời cơ, ông chủ của mạng xã hội Facebook cũng đã kịp thời tạo ra ứng dụng đổi hình đại diện cờ 3 màu của Pháp, như một hành động để hòa cùng thế giới chia sẻ với nước Pháp. Không nằm ngoài dự đoán của nhiều người, chỉ vài tiếng sau, trên các tài khoản Facebook Việt Nam cũng ngập tràn sắc màu quốc kỳ Pháp, trong đó chủ yếu là giới trẻ. Ngoài những bạn trẻ có người quen đang ở Pháp và thực tâm muốn chia sẻ với nỗi đau của nước Pháp thì không thiếu những “nhà a dua quốc tế”.

Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như họ hiểu về ý nghĩa của ứng dụng đó, hiểu mình đang làm gì, xuất phát từ đâu. Thực tế, không mấy bạn biết về ý nghĩa của biểu tượng đó, có những học sinh cấp 3, thậm chí là sinh viên đại học còn vô tư cho rằng đây chỉ là những ứng dụng như bao ứng dụng khác trên Facebook hoặc thấy bạn bè đổi nhiều và cũng thấy hay hay nên xin đường link để đổi cho… có với người ta. Thậm chí, khi chúng tôi nói về vụ khủng bố, có bạn còn tỏ ra khá bất ngờ và lạ lẫm nhưng đó lại là người đổi màu hình đại diện từ rất sớm. Bằng chứng là nhiều bạn trẻ còn hồn nhiên khoe hình đại diện mới với dòng chia sẻ: “chẳng biết là gì nhưng thấy phong trào là theo thôi”, “cầu nguyện cho Hàn Quốc, mong nước Hàn Quốc bình an”, “cầu cho nước Anh được bình an” hay khẳng định là “cờ nước Đức”… Có lẽ vì vô tâm trước ý nghĩa của ứng dụng này nên nhiều bạn cũng đổi màu hình đại diện, mà ở đó quốc kỳ nước Pháp được nổi lên trên nền hình ảnh hở hang, không phù hợp.

Còn nhớ cách đây không lâu, khoảng cuối tháng 6-2015, mạng xã hội Việt Nam cũng bị một phen rung chuyển khi các “nhà a dua quốc tế” này đồng loạt thay hình đại diện lục sắc (6 màu - biểu tượng của giới đồng tính, song tính và chuyển giới) để mừng nước Mỹ công nhận hôn nhân đồng giới trên toàn lãnh thổ. Hỏi ra mới vỡ lẽ rằng đó chỉ là trào lưu, thích thì đổi chứ chúng chẳng hiểu gì về những sắc màu đó.

Không thể phủ nhận giới trẻ Việt ngày càng bị hội chứng đám đông, họ sợ rằng không làm theo sẽ bị đánh giá là lạc hậu nên thấy hiện tượng gì mới là miệt mài chạy theo mà không chịu bỏ ra vài phút để tìm hiểu ý nghĩa của hiện tượng đó. Vẫn biết ai cũng có quyền thể hiện quan điểm của mình nhưng quan điểm đó nên gắn với sự hiểu biết, sự chân thành và có chọn lọc. Đừng chỉ vì hội chứng đám đông, vì trào lưu đó mang tầm quốc tế mà chạy theo hay đơn giản là “quyền riêng tư của tôi nên tôi thích làm gì thì làm” để rồi trở thành trò cười cho thiên hạ hay trở thành công cụ cho kẻ xấu lợi dụng.

THU HỒNG

Tin cùng chuyên mục