Theo số liệu của các cơ quan chức năng, trong 7 tháng đầu năm 2006, cả nước đã xảy ra hơn 8.300 vụ tai nạn giao thông (TNGT), phần lớn do xe gắn máy gây ra, làm chết 7.393 người và bị thương hơn 6.700 người (bình quân mỗi ngày có 35 người chết và 32 người bị thương do TNGT). Đó là con số thương vong khủng khiếp và phi lý trong thời bình.
Về nguyên nhân chủ yếu của TNGT, không ít người cho rằng do người tham gia giao thông thiếu ý thức chấp hành luật giao thông, như thường vượt đèn đỏ, chạy vào đường ngược chiều, lạng lách… Một thống kê cho biết có đến 1/3 số người tham gia giao thông vi phạm luật.
Theo tôi, nguyên nhân chính khiến cho TNGT xảy ra nhiều là do cảnh sát giao thông (CSGT) chưa làm hết chức trách của mình (các nguyên nhân khác đều là thứ yếu). Ý thức của người tham gia giao thông nước ta kém, không phải do họ không hiểu luật (số này rất ít), mà do CSGT xử phạt chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe. Việc xử phạt vi phạm giao thông thường làm theo đợt, theo “phong trào”, chưa thường xuyên, liên tục, chưa tạo thành “nếp”, thành ý thức chấp hành mang tính “bản năng” của người đi đường.
Thí dụ, việc học sinh (chưa đủ 18 tuổi, chưa có giấy phép lái xe) đi xe gắn máy phân khối lớn. Hành động ấy rõ ràng là phạm pháp, lẽ ra phải bị nghiêm trị để răn đe, nhưng CSGT thường chỉ làm khi có “chiến dịch”, hết đợt thì thôi, đâu lại vào đấy! Việc vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, lạng lách “đánh võng”... cũng vậy. Lẽ ra CSGT phải thường xuyên tuần tra cơ động, kịp thời phát hiện và xử phạt, đằng này lại thường đứng cố định ở các ngã tư. Người đi đường thấy có CSGT thì chấp hành, không thấy thì thản nhiên vi phạm!
Có ý kiến cho rằng, CSGT ít người, khó có thể xử lý hết mọi vi phạm. Theo tôi, quan niệm này chỉ đúng một phần. Đồng ý rằng lúc đầu có thể bỏ sót, thậm chí đến phân nửa số vụ vi phạm, nhưng nếu xử lý đúng mức phân nửa vụ còn lại, những người khác mới sợ, không dám coi khinh luật lệ nữa. Như vậy, số vụ vi phạm luật giao thông sẽ giảm dần, không còn ở mức “phổ biến” như hiện nay.
Muốn người ta sợ bị phạt, theo kinh nghiệm của nhiều nước, không có cách nào hiệu quả hơn là “đánh vào túi tiền”! Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung luật theo hướng tăng nặng chế tài, không có việc “năn nỉ” hoặc “thỏa hiệp” để được bỏ qua. Để CSGT siêng phạt và không bị mua chuộc, cần khen thưởng họ xứng đáng cả về vật chất lẫn tinh thần, thí dụ trích thưởng cho người trực tiếp xử phạt 50% tổng số tiền thu phạt, thăng chức trước thời hạn…
Tóm lại, theo tôi, khi CSGT càng làm tốt chức trách của mình, trật tự an toàn giao thông sẽ càng được vãn hồi, TNGT chắc chắn giảm, không còn ở mức báo động như hiện nay. Đây là biện pháp quan trọng nhất, cần làm trước tiên.
BIÊN HÀ