Không thể phạt 100USD cũng như 1.000 - 10.000USD

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội đề nghị phải xem xét lại mức phạt khi người dân đem ngoại tệ đi đổi tại các địa điểm mua bán không đúng quy định. Không thể đổi 10USD, 100USD cũng bị phạt tới 80-100 triệu đồng như 1.000USD, 10.000USD... 

Thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội năm 2018 trong phiên thảo luận chiều nay 27-10, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (đoàn đại biểu Hà Nội) - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội - lên tiếng về vụ việc một thợ điện vừa bị phạt tới 90 triệu đồng vì đi đổi 100USD vừa xảy ra ở TP Cần Thơ mà dư luận xã hội đang quan tâm lo ngại và cho rằng, công tác tư pháp, xây dựng luật của chúng ta hiện nay bộc lộ rất nhiều điều vô lý, bất cập. 

Hiện nay, người dân rất lo lắng với quy định cứ đổi ngoại tệ ở điểm trái phép là bị phạt, dù 100USD thì cũng như 1.000USD


Ông Chiến cho rằng, việc phạt một người đi đổi 100USD là điển hình về thiếu trong quy định, thiếu trong áp dụng, chưa nghiêm minh trong quản lý nhà nước, khiến dư luận không đồng tình.

“Phải xem xét lại mức phạt, vì đổi 10USD, 100 USD cũng như đổi 1.000 USD, 100.000 USD đều phạt từ 80-100 triệu đồng là không phù hợp” – đại biểu Nguyễn Văn Chiến đề nghị sửa lại quy định về mức phạt và cho rằng trên thị trường có cung thì có cầu, chợ đổi ngoại tệ đen ngày đêm vẫn hoạt động công khai, hầu như không kiểm soát hoặc bị phạt thì Nhà nước phải quản lý, thu hẹp hoặc có hướng dẫn để người dân không còn bị phạt như “anh thợ điện”. 

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, việc xóa bỏ tình trạng đô la hóa thị trường cần phải thực thi nhưng chúng ta phải giúp người dân nhận diện nơi nào được phép đổi ngoại tệ, nơi nào không được đổi, trong khi vẫn để các địa điểm đổi ngoại tệ bất hợp pháp hoạt động công khai, trước hết phải là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.  

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Đoàn ĐB Hà Nội)

Đề cập tới chính sách thu hút đầu tư, thu hút nguồn lực trong dân để phát triển nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Văn Chiến bày tỏ: Trong thời gian qua, để thu hút nguồn lực cho nền kinh tế, chúng ta chỉ nghĩ đến các khoản vốn ODA, FDI hay các khoản vay trái phiếu chính phủ, vay ngân hàng nhà nước, ngân hàng nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư trong nước. Gần đây mới quan tâm đến khai phóng tiềm lực trong nhân dân, khuyến khích người dân đầu tư làm ăn nhưng “tại sao hành lang pháp lý đã có, nhiều đến mức phải cắt giảm thủ tục hành chính, thủ tục kinh doanh mà người dân vẫn chưa yên tâm bỏ tiền đầu tư?” – ông Chiến đặt ra câu hỏi.

Tự trả lời cho câu hỏi sắp tới Chính phủ có giải pháp nào để số tiền trong dân được đưa vào lưu thông, góp phần thực hiện giải pháp tăng trưởng kinh tế, ông Chiến đưa ra ý kiến: Giải pháp nào cũng phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân, một nền kinh tế thị trường dựa trên sức dân thì phải song hành với một hệ thống tư pháp rõ ràng, minh bạch, thực thi nghiêm minh. “Doanh nghiệp, người dân hiện nay cần có cơ chế thuận lợi thì mới đầu tư, khách quan trong giải quyết tranh chấp, bình đẳng công bằng trong đối xử; đặc biệt hình sự hóa quan hệ dân sự dứt khoát phải loại trừ” – ông nói. 

Tuy nhiên, vị đại biểu này tỏ ra quan ngại trước thực trạng hiện nay, đề nghị phải có biện pháp chấn chỉnh. Ông nói: “Ở trên, Quốc hội, Chính phủ đang quyết liệt hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để bảo đảm thực thi. Ở dưới, người dân đang nóng lòng mong đợi sự cải cách, đổi mới, kỳ vọng quyền lợi hợp pháp được bảo đảm. Nhưng ở giữa, một bộ phận không nhỏ bộ máy cơ quan nhà nước thực thi vẫn vô cảm với quyền lợi chính đáng của người dân, không coi người dân là mục tiêu phục vụ của mình, như vậy thì sẽ không có nền kinh tế mạnh, phát triển toàn diện”.

Tin cùng chuyên mục