Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát sau khi đi thực tế kiểm tra tình hình không khỏi lo ngại, cho biết thiệt hại do rầy nâu, vàng lùn - lùn xoắn lá ở ĐBSCL và miền Đông Nam bộ là hơn 1.500 tỷ đồng. Nhưng điều đáng lo hơn chính là sự tích tụ mầm bệnh trên tất cả diện tích đất gieo trồng sắp tới, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng nếu không kiên quyết xử lý. Theo số liệu mới nhất, diện tích lúa nhiễm bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá và rầy nâu của toàn vùng ĐBSCL và miền Đông Nam bộ lên tới 103.000 ha. Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn gởi chủ tịch UBND các tỉnh vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ, và các bộ ngành liên quan thực hiện một biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh:
- Phát hiện kịp thời sự xuất hiện của rầy nâu và trừ diệt ngay không để phát tán mầm bệnh.
- Đối với lúa nhiễm bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá phải xử lý kiên quyết. Đối với diện tích lúa nhiễm bệnh thuộc diện tiêu hủy bắt buộc thì huy động mọi lực lượng để tiêu hủy kể cả cưỡng chế.
Cùng với việc thực hiện các biện pháp xử lý kiên quyết trên, Cục Bảo vệ thực vật và các nhà chuyên môn khuyến cáo bà con nông dân giãn vụ, cắt vụ, không làm vụ ba để hạn chế sự tồn tại và lây lan của rầy nâu và virus gây bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá. Tuy nhiên, vì cái lợi trước mắt, nhiều bà con nông dân vẫn không “đếm xỉa” tới các lời khuyến cáo trên. Vụ hè-thu và thu-đông chưa thu hoạch xong bà con các tỉnh Long An, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang đã xuống giống trên 100.000 ha vụ lúa đông-xuân. Hậu quả tức thời: hơn 7.500 ha trà lúa đông-xuân sớm đã nhiễm bệnh vàng lùn làm cho tình hình dịch bệnh đã nghiêm trọng càng nghiêm trọng hơn.
Vài năm gần đây trong sản xuất nông nghiệp ta phải liên tục đối phó với dịch bệnh, hết dịch cúm gia cầm H5N1 đến dịch lở mồm long móng. Bài học có ý nghĩa nhất rút ra được qua 2 trận chống dịch trong gia cầm và gia súc vừa qua là đối phó, xử lý quyết liệt ngay từ đầu sẽ hạn chế được tổn thất. Đối với dịch rầy nâu, vàng lùn - lùn xoắn lá hiện nay cũng vậy phải xử lý quyết liệt ngay từ đầu, không được xem thường.
MINH THÔNG