Khu đô thị Phú Mỹ Hưng - “Mắc cạn” vì tiền sử dụng đất: Có hướng dẫn nhưng lại chờ

Sáng 30-12, trao đổi với phóng viên Báo SGGP một lãnh đạo Cục Thuế TPHCM cho biết cách đây một năm việc lùm xùm tiền sử dụng đất (SDĐ) nổi lên tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng thì Chính phủ có văn bản hướng dẫn thực hiện, tuy nhiên đến nay vẫn còn vướng mắc.

Sáng 30-12, trao đổi với phóng viên Báo SGGP một lãnh đạo Cục Thuế TPHCM cho biết cách đây một năm việc lùm xùm tiền sử dụng đất (SDĐ) nổi lên tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng thì Chính phủ có văn bản hướng dẫn thực hiện, tuy nhiên đến nay vẫn còn vướng mắc.

  • Phát sinh mâu thuẫn

Theo đó, trước khi có văn bản của Thủ tướng Chính phủ, ngày 8-10-2002, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 112/2002/QĐ-UB về cơ chế và phương thức kinh doanh của Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng, tại khoản 1.3 mục II phụ lục - Thủ tục, trình tự cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền SDĐ thì: “Hợp đồng mua bán nhà ở có chứng nhận của phòng công chứng (nếu nhà tọa lạc ở các quận hoặc người mua nhà là người Việt Nam định cư ở nước ngoài) hoặc chứng thực của UBND huyện Bình Chánh (nếu nhà tọa lạc trên địa bàn huyện Bình Chánh)”.

Sau đó, vì những vướng mắc phát sinh nên tại văn bản số 2187/TTg-KTN ngày 2-12-2010, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo từng trường hợp cụ thể. Đối với trường hợp Phú Mỹ Hưng đã ký hết hợp đồng mua bán nhà ở trước ngày 16-11-2004 thì nộp tiền SDĐ theo Quyết định 112/2002/QĐ-UB ngày 8-10-2002 của UBND TPHCM. Trường hợp ký kết hợp đồng mua bán nhà ở từ 16-11-2004 đến trước ngày 1-7-2007 thì nộp tiền SDĐ theo Điều 81 Nghị định 181. Còn hợp đồng mua bán nhà ở từ ngày 1-7-2007 trở về sau, thực hiện theo quy định tại Điều 32 của Nghị định 84. Chính phủ cũng chỉ đạo thời gian hoàn thành trước ngày 30-6-2011.

Sau đó, UBND TP đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, Phú Mỹ Hưng không thống nhất về việc các hợp đồng ký kết trước ngày 1-7-2006 phải có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo hướng dẫn của UBND TP nên có văn bản gửi Bộ Tư pháp. Ngày 14-9-2011, Bộ Tư pháp có văn bản phúc đáp như sau: Theo quy định của Pháp lệnh Nhà nước năm 1991, Bộ luật Dân sự 1995 và năm 2005, các hợp đồng mua bán nhà ở giữa Phú Mỹ Hưng với khách hàng trước ngày 1-7-2006 phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

Bộ Tư pháp cũng cho rằng, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 2187 là tạo điều kiện thuận lợi và hợp lý cho khách hàng của Phú Mỹ Hưng đóng tiền SDĐ trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật theo thời điểm khách hàng ký hợp đồng với công ty. Do vậy, thời điểm tính tiền SDĐ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nên được hiểu là thời điểm ký hợp đồng ban đầu giữa công ty và khách hàng (trước ngày 1-7-2006). Việc ký lại hợp đồng có công chứng theo quy định của pháp luật chỉ nên xem là thủ tục hành chính, không phải thời điểm xem xét để tính tiền SDĐ.

Chính vì không thống nhất quan điểm nên thực hiện chỉ đạo của UBND TP, ngày 8-11-2011, ông Trần Đình Cử, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM ký văn bản gửi Bộ Tài chính xin hướng dẫn cụ thể: Việc thu tiền SDĐ đối với hợp đồng mua bán nhà ở đã ký kết giữa khách hàng với Phú Mỹ Hưng chưa có công chứng theo quy định trước ngày 1-7-2006 thì giá đất tính thu tiền SDĐ theo bảng giá đất do UBND TPHCM ban hành và công bố theo thời điểm công ty ký kết hợp đồng ban đầu (trước ngày 1-7-2006) hay theo thời điểm công ty ký kết lại hợp đồng có công chứng theo quy định (năm 2011)?

  • Ùn tắc hồ sơ

Do Bộ Tài chính chưa có văn bản trả lời, nên mới đây ngày 16-12-2011, Cục Thuế TPHCM có văn bản khẩn tiếp tục gửi Bộ Tài chính nhắc lại vấn đề trên. Trong văn bản này, Cục Thuế TPHCM cho biết sau khi phát hành thông báo tính tiền SDĐ đối với 269 trường hợp ký hợp đồng trước ngày 1-7-2006 (theo giá tại thời điểm công ty ký lại hợp đồng mua bán nhà ở với khách hàng có công chứng theo quy định), Chi cục Thuế quận 7 đã nhận được 148 đơn khiếu nại về việc đề nghị cơ quan thuế áp dụng giá tính tiền SDĐ là thời điểm khách hàng ký hợp đồng ban đầu với Phú Mỹ Hưng. Hiện tại còn hơn 100 hồ sơ đã ký hợp đồng trước ngày 1-7-2006 tồn tại Chi cục Thuế quận 7, đã tính xong nhưng chưa phát hành thông báo thu do đang chờ xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính. “Để tránh khiếu nại đông người, đảm bảo việc tính và thu kịp thời các khoản tiền SDĐ nêu trên vào ngân sách nhà nước, Cục Thuế TP kính đề nghị Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn”, Trần Đình Cử, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó trưởng Phòng quản lý Cục Thuế TPHCM, cho biết tuy Cục Thuế TPHCM đã hai lần xin ý kiến Bộ Tài chính, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời chính thức hướng dẫn cách thực hiện. 

LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục