Giáp Giáng sinh năm nay tôi có dịp sang Milan và Courmayeur. Courmayeur là thành phố nhỏ đắt đỏ ở chân núi Monte Bianco (Mont Blanc) vốn nổi tiếng với những người thích trượt tuyết. Milan là thành phố giàu nhất Italia. Vì vậy tôi nghĩ dân tình có bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng thì chắc cũng không đến nỗi đói ăn.
Tôi đã nghĩ đúng nhưng thực tế với những gì tôi tưởng tượng cách xa lắm. Từng sống và đi lại nhiều nước ở châu Âu nhưng tôi chưa thấy ở đâu như khu trung tâm quanh Nhà thờ lớn của Milan. Nhân viên các cửa hàng cho biết ngày nào khách cũng đông kín, quanh năm suốt tháng chứ không chỉ đợt Giáng sinh. Những tưởng chỉ những cửa hàng quần áo như Zara, Mango, H&M... mới đông khách chứ những Louis Vuitton, Prada, Dior, Gucci hay các cửa hàng đồng hồ, điện thoại đắt tiền… chắc vắng tanh như ở các nước khác nhưng hóa ra nhầm to. Không nườm nượp khách khệ nệ xách những túi những hộp nhưng lượng khách của các hàng hiệu này cũng cực kỳ đáng nể. Nhân viên ở đây và cả ở mấy khách sạn 4 - 5 sao quanh trung tâm đều bảo đa số khách của họ là dân Italia…
Chỉ cần bước ra khỏi khu trung tâm quảng trường quanh Nhà thờ lớn qua ngay các phố sau lưng thì quang cảnh đã khác hẳn, cực kỳ vắng lặng. Tuy nhiên, đường phố, hàng hiệu, người dân thì không có vẻ nghèo nàn và lam lũ như nhiều khu vực ở Rome hay Venice…
Courmayeur năm nay đến tận đầu tháng 12 mới có vài hạt tuyết dù trên núi tuyết vẫn phủ trắng. Thành phố đông nghịt du khách, chủ yếu cũng là khách Italia. Mấy anh nhà báo nước ngoài đi dự Festival Noir bảo rất nhiều dân chơi Milan có nhà nghỉ tại đây. Các bà, các cô mặc áo lông thú hầu hết là dân Milan. Đa phần các quý bà này tầm 60-70 tuổi – một cảnh tượng rất khác so với những gì tôi thấy ở hầu hết các nước châu Âu đã đến, nơi mà những người nghỉ hưu thường phải rất tiết kiệm vì đồng lương khá thấp trong khi con cái họ dù kinh tế khá giả cũng chả mấy ai bỏ vài ngàn euro ra mua áo cho mẹ. Khủng hoảng nếu có cũng còn xa mới chạm được đến những quý-bà-mặc-áo-choàng-lông này.
Qua công việc, tôi gặp mấy nhà văn, nhà báo, nhà xuất bản đến từ Milan, Turin, Rome. Họ bảo chính quyền Berlusconi sụp rồi nhưng khó khăn của Italia thì vẫn còn đó. Hiện tại chưa có gì xảy ra nhưng giới trí thức rất lo lắng rằng từ năm sau đất nước sẽ khủng hoảng nặng hơn. Tuy nhiên, một vài người khác lại không lo lắng nhiều về cuộc sống của bản thân và gia đình.
Người ta bảo khủng hoảng chỉ khiến người nghèo thêm bi kịch nhưng khi được hỏi thì mấy anh taxi, bảo vệ, nhân viên của những cửa hàng nhỏ bảo họ không lo lắng mấy!? Anh lễ tân khách sạn ở Milan bảo dù có dấu hiệu ít khách thương gia Italia đi một chút nhưng năm nay doanh thu của khách sạn vẫn rất tốt. Một anh taxi cười bảo: “Tôi nghĩ chả sao đâu, dân Italia có nhiều cách kiếm và tiêu tiền. Chúng tôi không gửi tiền vào ngân hàng nữa”. Ai cũng bảo chắc là sẽ ảnh hưởng đến những người nghèo hơn. Nhưng tôi chả biết những ai được coi là “nghèo hơn” để tìm hỏi.
Mai Linh (từ Italia)