
Mới đây, TP Hồ Chí Minh đã có giải pháp kích cầu trong đó có hỗ trợ 100% lãi suất cho nhóm đầu tư các dự án về văn hóa nghệ thuật (VHNT). Trong khi đó các ngành văn hóa từ phần cứng (cơ sở vật chất) đến phần mềm (các đơn vị hoạt động) lại chưa có một động thái nào tích cực.
Trong gói kích cầu của TP Hồ Chí Minh vừa công bố, nhóm dự án được hỗ trợ 100% lãi vay, trị giá mỗi dự án được hỗ trợ có thể lên đến trên 100 tỷ đồng, thời hạn kéo dài trên 7 năm có: Xây dựng mới, cải tạo, mở rộng, mua sắm trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật cao như : Bệnh viện, công trình văn hóa, nhà hát, rạp chiếu phim quy mô trên 1.000 chỗ ngồi.
Thực tế, hiện trạng hoạt động của ngành văn hóa trong tình hình suy thoái kinh tế lại không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố suy yếu của cơ sở vật chất (phần cứng). Hiện nay, nhiều tỉnh thành đã đầu tư hàng loạt nhà hát hiện đại như Cung Văn hóa Hữu Nghị, Nhà hát lớn tại Hà Nội, Nhà hát Trưng Vương tại TP Đà Nẵng, Nhà hát Quang Trung tại TP Quy Nhơn, tại TP Hồ Chí Minh có Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát TP, Bến Thành… Nhưng hoạt động của các nhà hát này nhìn chung khá vắng vẻ.
Tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Quyết đã phát biểu “hiện nay có tới 2/3 số nhà hát trong cả nước không sáng đèn, tức hoạt động không có hiệu quả…”. Đây là sự lãng phí tài sản do nhà nước đầu tư. Vậy vấn đề suy giảm là nằm trong các hoạt động (phần mềm).

Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội vắng lặng. Ảnh: T.K.D.
Muốn khán giả hàng đêm đến thưởng thức nghệ thuật, các đơn vị liên quan phải ngồi lại với nhau để tìm giải pháp kích cầu. Như, có thể áp dụng giải pháp giảm giá như sau:
- Nhà quản lý: như Nhà hát Hòa Bình, đơn vị biểu diễn đến thuê địa điểm, giá trên dưới 40 triệu đồng/đêm chưa kể âm thanh, ánh sáng, sân khấu, thuế... có thể giảm 50%. Việc có thể giảm giá cho thuê vì đây là tài sản nhà nước đầu tư cho mảng phúc lợi xã hội, nhằm đáp ứng những nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cho nhân dân.
- Nhà tổ chức chương trình: Các nhà cung cấp phương tiện như âm thanh, ánh sáng, thiết kế sân khấu... giảm giá 50% thì các đơn vị tổ chức, các đoàn nghệ thuật sẽ mạnh dạn tổ chức thường xuyên các chương trình nghệ thuật.
Hiện nay hoạt động các đoàn VHNT có bao cấp của nhà nước kém hiệu quả. Một số liveshow của “sao” vào nhà hát không phải để phục vụ công chúng mà để “phân định đẳng cấp”, như liveshow Mỹ Lệ in Symphony tại Nhà hát TP đêm 8-3, chưa diễn nhưng đã cầm chắc lỗ trên 1,2 tỷ đồng cho dù vé bán hết. Như đêm Quang Dũng-Hồng Nhung ngày 28-2 vừa qua, bán 3 triệu đồng/vé cho 100 người sẽ bằng doanh thu của 1.000 người, nhưng thành công vẫn hạn chế!
Vậy, vấn đề kích cầu trong giai đoạn hiện nay nên giải quyết như thế nào?
- Các đoàn nghệ thuật và nghệ sĩ: Hiện nay giá “cát-xê” của các “sao” đang đội giá trên trời so với mặt bằng thu nhập chung của xã hội, từ 10 - 40 triệu đồng/show, vậy thì có thể giảm xuống trên 50% thì có thể kích cầu cho hoạt động văn nghệ.
Nếu các “nhà” trên cùng hợp tác với tinh thần trách nhiệm cao thì thị trường văn hóa nghệ thuật có thể khởi sắc và tất cả sẽ cùng có lợi, người dân sẽ có nhiều cơ hội thưởng thức những chương trình chất lượng với giá vé hợp lý. Trong kinh tế học người ta đã dạy là: “lấy con số tối thiểu để đạt con số tối đa” sẽ rất đúng trong các giải pháp kích cầu đối với thị trường văn nghệ hiện nay, không những cho ca nhạc mà cả sân khấu kịch nói, cải lương...
Giải pháp nào cũng nên lấy công chúng làm đối tượng để phục vụ thì công chúng sẽ không bỏ rơi thị trường âm nhạc như hiện nay.
TRẦM KHOAN DŨNG