Ngày 12-1, tại Flamingo Cát Bà (Hải Phòng), diễn đàn Lữ hành toàn quốc với tên gọi “Lữ hành Việt Nam 2021 - Giải pháp khôi phục và phát triển” đã thu hút sự tham gia của hơn 400 doanh nghiệp lữ hành, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, Tổng cục Du lịch và lãnh đạo nhiều sở du lịch, hiệp hội du lịch. Bên cạnh việc cùng nhận định những xu hướng mới của du lịch năm 2021, nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng kích cầu vẫn là “phao”cứu sinh của lữ hành năm 2021.
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, du lịch Việt Nam năm 2020 đã giảm gần 80% lượng khách quốc tế, 50% khách nội địa, 90% khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài; doanh thu giảm gần 60% so với năm 2019. Trong số các doanh nghiệp du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, khối lữ hành chịu thiệt hại khá nặng nề, bởi đây là đơn vị trung gian, thực hiện các dịch vụ cho du khách. Nhiều đơn vị lữ hành phải đóng cửa, dừng hoạt động; không ít đơn vị phải chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng khối lữ hành cũng đóng góp quan trọng trong việc thực hiện các chương trình kích cầu du lịch, khôi phục thị trường.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đánh giá, ngay khi Hiệp hội Du ịch Việt Nam đã phát động chương trình kích cầu du lịch, đã có hàng trăm doanh nghiệp lữ hành đăng ký tham gia. “Sự chủ động của các doanh nghiệp lữ hành tạo cho xã hội cảm nhận về sức sống mãnh liệt của ngành Du lịch”, ông Vũ Thế Bình đánh giá.
Dưới góc nhìn cụ thể hơn, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours đánh giá rất cao các giải pháp liên minh kích cầu, tuy nhiên để kích cầu cần phải đi vào thực chất chứ không chỉ dừng lại ở hình thức. Cụ thể như hoạt động kích cầu cần bảo đảm thời gian đủ dài và quy mô đủ lớn. Thay vì chỉ diễn ra trong một giai đoạn nhất định, chương trình kích cầu nên kéo dài hơn có thể là 1 năm hoặc 2 năm. Hoạt động kích cầu không chỉ diễn ra tại một địa phương mà cần mở rộng quy mô gồm sự liên kết của nhiều tỉnh, thành phố, tất cả các vùng trên cả nước, tùy từng thời điểm, tùy từng dòng sản phẩm đều có thể kích cầu; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, bổ sung thêm những giá trị mới nhằm kích thích nhu cầu ngoài yếu tố giảm giá…
Cùng chung nhận định này, ông Cao Chí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng cho rằng đây chính là thời điểm lữ hành trở về với vị trí dẫn dắt bởi họ chính là mắt xích để tích hợp các sản phẩm. Song ông Cao Chí Dũng cho rằng vẫn rất cần phải xây dựng những sản phẩm du lịch mang tầm quốc gia, phát triển các kênh truyền thông số đa dạng và đưa ra nhiều đề xuất tung ra các sản phẩm khuyến mại, ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp lữ hành khi đưa khách tới đây.
Cụ thể, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng sẽ xây dựng sản phẩm riêng của Đà Nẵng bên cạnh các sản phẩm liên kết Đà Nẵng - Quảng Nam - Thừa Thiên Huế.
Bàn thêm về giải pháp cho hoạt động lữ hành trong thời gian tới, Giám đốc Công ty du lịch Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, các đơn vị lữ hành địa phương cần tăng thêm tính liên kết với các đơn vị của địa phương khác; phát huy cao vai trò của các hướng dẫn viên tại điểm để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch mang tính tại chỗ, chuyên biệt của địa phương. Ngoài ra, để hoạt động lữ hành đạt hiệu quả, các đơn vị phải thực hiện chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, thiết kế sản phẩm, marketing…
Nhận định năm 2021, trước diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới còn phức tạp, du lịch trong nước xác định thị trương nội địa là chủ đạo, các đơn vị lữ hành cần tăng cường hơn nữa các hoạt động liên kết, liên minh. Đồng thời, các đơn vị cũng đưa ra nhiều giải pháp trong hoạt động liên minh để việc kích cầu du lịch nội địa đạt hiệu quả hơn.
Diễn đàn lữ hành toàn quốc với chủ đề “Giải pháp khôi phục và phát triển” được xem là hoạt động lớn đầu tiên của cộng đồng lữ hành Việt Nam trong năm 2021. Diễn đàn đóng góp vai trò quan trọng trong việc giúp các đơn vị lữ hành xác định phương hướng, nhiệm vụ của mình trong năm 2021 để cùng chung tay nhanh chóng khôi phục thị trường du lịch Việt Nam.