Kiểm định chất lượng giáo dục đại học: Giám sát, đánh giá phải thực chất

Trong hai năm nay, các trường đại học (ĐH) chạy đua với công tác kiểm định chất lượng (KĐCL) cấp cơ sở đào tạo lẫn cấp chương trình đào tạo. Điều này cho thấy các trường nhận thức việc đảm bảo chất lượng đào tạo là vấn đề sống còn. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn băn khoăn vì hiện nay cơ chế kiểm soát chất lượng kiểm định chưa được quan tâm.

Chạy đua về số lượng

Theo PGS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), tính đến ngày 31-7, cả nước có 1.263 chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH được kiểm định và cấp chứng nhận. Trong đó, có 864 chương trình đào tạo được các tổ chức trong nước kiểm định bằng bộ tiêu chuẩn trong nước và 399 chương trình được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài; 183 cơ sở giáo dục ĐH đạt kiểm định (có 9 cơ sở được kiểm định bởi tổ chức kiểm định nước ngoài). Trong khi đó, năm 2022, cả nước chỉ có 609/6.000 chương trình đào tạo ĐH chính quy được kiểm định (khoảng 10%); trong đó có 373 chương trình được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định trong nước, 236 chương trình được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài.

Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, hiện chưa trường ĐH nào có 100% chương trình đã được kiểm định, mà phần lớn các trường chỉ chọn những chương trình đào tạo mạnh nhất của mình để triển khai việc kiểm định trước. Nhiều trường đặt mục tiêu đến năm 2025 mới có 100% chương trình đào tạo ĐH đạt chuẩn kiểm định trong nước, hướng đến chuẩn kiểm định của khu vực và quốc tế như Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Kinh tế TPHCM...

Chuyên gia kiểm định của Trung tâm kiểm định Đại học Quốc gia TPHCM kiểm tra phòng thực hành ngành Điều dưỡng, Trường Đại học Công nghệ TPHCM
Chuyên gia kiểm định của Trung tâm kiểm định Đại học Quốc gia TPHCM kiểm tra phòng thực hành ngành Điều dưỡng, Trường Đại học Công nghệ TPHCM

PGS-TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, nhìn nhận, kết quả nêu trên phần nào cho thấy công tác KĐCL, đảm bảo chất lượng đã được các trường xem là vấn đề sống còn trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải làm thực chất, không phải bằng mọi giá để có được giấy chứng nhận đạt chuẩn KĐCL, vì chất lượng đào tạo là vấn đề phải thực hiện thường xuyên và cải tiến liên tục.

Kiểm soát công tác kiểm định

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn thông tin, một trong các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 là triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường bảo đảm KĐCL các chương trình theo Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 14-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, các trường cần chú trọng đến việc tăng cường xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong; coi việc cải tiến chất lượng là nhu cầu, văn hóa chất lượng là nguyên tắc và yêu cầu xuyên suốt trong các hoạt động giáo dục ĐH.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM), công tác đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH có hai phần là bên trong và bên ngoài, nhưng hiện nay đang tập trung nhiều vào yếu tố bên ngoài.

Để nâng cao hệ thống quản lý chất lượng bên trong, các trường cũng như cơ quan quản lý cần tăng trách nhiệm giải trình của từng cơ sở giáo dục, công khai những số liệu thật cụ thể, ví dụ như số liệu tỷ lệ đầu vào, các nguồn lực nghiên cứu, đào tạo, bài báo khoa học, đầu ra... để xã hội giám sát. Về hệ thống quản lý chất lượng bên ngoài, kiểm định hiện đang là gánh nặng cho nhiều trường ĐH.

“Nên chăng cần xem lại cơ chế kiểm định, với cơ sở giáo dục thì việc kiểm định là bắt buộc; nhưng với chương trình, nếu cơ sở giáo dục có hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong mạnh, hệ thống tự kiểm định các chương trình mạnh thì nên công nhận cơ chế tự kiểm định... Đây là kinh nghiệm các nước trên thế giới đã làm. Cần sử dụng cơ chế này để giảm tải việc kiểm định”, TS Nguyễn Quốc Chính đề xuất.

Nhìn từ thực tế, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho rằng, hiện nay, hoạt động KĐCL giáo dục còn một số tồn tại, hạn chế. Ví dụ như việc thành lập đoàn đánh giá, kiểm định chương trình đào tạo với thành viên chưa phải là chuyên gia của ngành đào tạo đó; hay một người có thể tham gia kiểm định nhiều chương trình đào tạo không thuộc chuyên môn của mình, như vậy liệu có đảm bảo độ tin cậy, trung thực của quá trình kiểm định?

Đó là chưa nói có hiện tượng các điều kiện, tiêu chí cốt lõi như cơ sở vật chất thuê mướn, đội ngũ giảng viên yếu, trang thiết bị thực hành, thực tập bị thiếu…, nhưng bằng cách nào đó vẫn được chứng nhận KĐCL.

Nếu các trường chỉ chạy theo giấy chứng nhận KĐCL thì sẽ không có chất lượng thật, và người học sau khi ra trường sẽ là kênh thông tin phản hồi thực chất nhất.

PGS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), thông tin năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai thực hiện chương trình phát triển hệ thống đảm bảo và KĐCL đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022-2030. Cùng với đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 13 (ngày 26-6-2023) quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức KĐCL giáo dục ĐH và cao đẳng sư phạm. Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát hoạt động đảm bảo chất lượng và KĐCL, như xây dựng phần mềm quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KĐCL giáo dục ĐH, để giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác đảm bảo chất lượng, tăng cường giám sát kết quả kiểm định của các cơ sở giáo dục và các tổ chức kiểm định.

Tin cùng chuyên mục