Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTB-XH), về các vấn đề liên quan.
“Tảng băng chìm” trong TNLĐ, bệnh nghề nghiệp
- Phóng viên: Thưa ông, vị trí số một về TNLĐ - vị trí dù không mong muốn chiếm lĩnh, song TPHCM lại đang giữ. Ông nhận xét thế nào về thách thức của TPHCM trong an toàn lao động?
* Ông NGUYỄN ANH THƠ: Tôi rất chia sẻ với TPHCM, song, thực tế đương nhiên phải là như vậy, bởi TPHCM tập trung 400.000 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất; tập trung 4,5 triệu lao động. Là đầu tàu kinh tế, nơi tập trung của nhiều ngành công nghiệp, khó có thể nói TP đứng nhì về TNLĐ được. Riêng năm 2017, TP xảy ra hơn 1.500 vụ TNLĐ và có đến 122 vụ có người chết, khiến 123 người qua đời (tăng 4 người so với năm 2016), là địa phương đứng đầu cả nước về số vụ TNLĐ có người chết. Chưa có tỉnh, thành nào mong lên thứ nhất cả. Chỉ khi nào có địa phương khác đầu tư hơn TPHCM, số doanh nghiệp vượt TPHCM, số lao động vượt TPHCM thì lúc đó may ra mới có đơn vị kế vào vị trí thứ nhất này. Nghĩa là, TPHCM luôn luôn đứng ở vị trí thứ nhất về TNLĐ. Vấn đề quan trọng là nội hàm của “thứ nhất” đó thế nào; có nghĩa là TP có thể làm thế nào để giảm tần suất TNLĐ, kiểm soát nó, giảm dần TNLĐ ra sao?
- Trong mối tương quan giữa gia tăng các hoạt động sản xuất kinh doanh với gia tăng TNLĐ, theo ông, sự quan tâm về tính an toàn trong lao động đã thật sự tương xứng?
* Vấn đề quan tâm và các doanh nghiệp cũng đang quan tâm hiện nay là làm thế nào doanh nghiệp có thể đào tạo, huấn luyện an toàn lao động tốt nhất, cũng như có các nguồn lực cho hệ thống phòng ngừa tai nạn, cảnh báo rủi ro. Trong cả nước, việc chi cho chương trình quốc gia về an toàn vệ sinh lao động thế nào? Tự chúng ta phải thấy là nó chưa đáng kể. Cả chương trình quốc gia về an toàn lao động thời gian qua được vẽ lên khoảng 700 tỷ đồng, nhưng cuối cùng thực chi từ ngân sách cũng chỉ là hơn 200 tỷ đồng, cùng sự hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch (hơn 200 tỷ đồng). Và cả chương trình cho an toàn vệ sinh lao động từ năm 2016 - 2020, nếu giải ngân kịp thời, may mắn lắm thì cả nước cũng chỉ là chi hơn 100 tỷ đồng. Điều đó cho thấy nguồn lực cho công tác an toàn vệ sinh lao động đang cực kỳ hạn chế.
Nhưng bên cạnh đó, Luật An toàn vệ sinh lao động mở cho chúng ta một nguồn lực khá lớn: hỗ trợ phòng ngừa tai nạn từ quỹ bảo hiểm TNLĐ - bệnh nghề nghiệp với 10% trong quỹ đóng, để chi cho các hoạt động phòng ngừa. Đây là điều kiện mở, hiện nay chưa chi được và cần phải tiếp tục suy nghĩ làm sao vận dụng được, chuyển tải thành các hoạt động, giải pháp thực chất nhằm phòng ngừa TNLĐ.
Một vấn đề cần chú ý trong an toàn vệ sinh lao động chính là môi trường làm việc dẫn tới bệnh nghề nghiệp gây chết người. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo, hàng năm, trên thế giới có khoảng 2,3 triệu người chết liên quan đến thương tích (là TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp. Nhưng TNLĐ chỉ có khoảng 350.000 nạn nhân chết; còn lại gần 2 triệu người chết vì bệnh nghề nghiệp. Thực trạng này cần được phân tích, đánh giá kỹ hơn ở nước ta và ở TPHCM. Chúng ta cần kéo giảm TNLĐ chết người ở công trình xây dựng, ở nhà máy cơ khí, ở các doanh nghiệp… Nhưng cũng cần chú trọng kéo giảm tình trạng những người lao động tiếp xúc với các yếu tố độc hại trong môi trường làm việc, đến bệnh nghề nghiệp, bởi nó đang chiếm đến 6/7 số người chết. Và đây mới chính là phần chìm của tảng băng, thậm chí chúng ta chưa phát hiện ra hết. Tôi xin nhấn mạnh: người lao động cứ âm thầm chết sau 5 năm, 7 năm, 10 năm sau khi không còn làm việc, bởi bệnh nghề nghiệp mới là phần chìm, là phần thật sự đáng lo ngại trong an toàn lao động. Các nước phát triển đã chú ý đến vấn đề này, Việt Nam, trong đó có TPHCM, đang bắt đầu chú ý. Đó thật sự là phần việc lớn, là thực chất chúng ta quan tâm tới sức khỏe, đến tính mạng người lao động.
Vì sao ít vụ vi phạm bị khởi tố?
- Đa số các vụ TNLĐ có nguyên nhân từ con người. Con người ở đây, thưa ông, cụ thể là đối tượng nào?
* Khi xử lý các vụ TNLĐ, nguyên nhân xác định chủ yếu là chủ quan của con người. Trong đó, phần lớn do cán bộ quản lý ở doanh nghiệp. Chỉ có tỷ lệ nhỏ (khoảng 10%) là lỗi của người lao động. Nhiều doanh nghiệp không hài lòng, họ cho rằng người lao động vi phạm, tại sao lại bắt lỗi doanh nghiệp. Đúng. Vấn đề là, tại sao người lao động vi phạm? Trách nhiệm của người quản lý trong doanh nghiệp ở đây là đã không huấn luyện, không giám sát đầy đủ việc thực hiện các biện pháp an toàn lao động.
Đơn cử, trong tiêu chuẩn xây dựng của Bộ Xây dựng, tôi vẫn nói, người lao động trên công trường xây dựng có muốn chết cũng… không chết được một khi doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn đạt tiêu chuẩn. Hãy tưởng tượng: với các lan can an toàn, với dây bảo hiểm, với hệ thống lưới bảo vệ đạt tiêu chuẩn, thì xin nói thẳng, bản thân tôi sẵn sàng nhảy từ trên công trường xuống, và tôi không chết. Nó như một trò chơi của trẻ em trong khu vui chơi thôi. Nhưng thực tế thì sao? Nhiều công trình xây dựng không có lan can an toàn, không có sàn thao tác, trang bị dây an toàn, dây bảo hiểm lại thiếu nơi móc vào, lưới bảo vệ cũng rất ít có. Trong lao động, an toàn là: một công trình nhà cao tầng, khi hoàn thiện, người dân có thể mất an toàn nếu rơi ngã; nhưng trên công trường xây dựng, đang xây dựng, thì người lao động muốn tự tử cũng không tự tử được. Đấy mới là an toàn. Và tiêu chuẩn đã có hết song doanh nghiệp không làm theo tiêu chuẩn. Điều đó cho thấy cần phải hướng mục tiêu, giải pháp tác động vào chính hệ thống quản trị, quản lý của doanh nghiệp.
- TNLĐ nghiêm trọng làm chết người xảy ra nhiều, nhưng vì sao số vụ được khởi tố, xử lý hình sự thì chỉ đếm trên đầu ngón tay?
* Quả thật, mỗi năm chưa đến 5 vụ TNLĐ có người chết bị xử lý hình sự. Việc xử lý hành chính, xử phạt mới mang tính răn đe rất nhẹ. Các vụ TNLĐ được khởi tố chưa nhiều một phần bởi các quy định về an toàn vệ sinh lao động mới được triển khai khoảng 2 năm (từ khi có Luật An toàn vệ sinh lao động); hệ thống quy chuẩn mới hoàn thiện khoảng 5 năm trở lại đây. Trước đó, có quy định về an toàn vệ sinh lao động trong Bộ luật Lao động, song chủ yếu là khâu giải quyết chính sách cho người lao động; việc tuân thủ các quy định về kỹ thuật, an toàn ở các doanh nghiệp còn thiếu nhiều, dẫn tới TNLĐ. Với hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh như hiện nay, việc quy trách nhiệm hình sự sẽ rõ ràng hơn. Các cơ quan tố tụng sẽ có nhiều căn cứ hơn để thúc đẩy quá trình xử lý nghiêm các vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết người.
- Không ít vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra nhưng rồi nhà thầu, chủ doanh nghiệp đã thỏa thuận với nạn nhân và gia đình, rồi vụ việc sau đó… chìm xuồng. Sự tự thỏa thuận của các bên và tính nghiêm minh của pháp luật, theo ông, tác động qua lại thế nào?
* Hiện nay, trong nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng, nhà thầu, hay chủ sử dụng lao động đã thỏa thuận với gia đình nạn nhân để bồi thường và gia đình nạn nhân thường không có ý kiến khác. Chúng tôi đánh giá mức độ bồi thường, mức độ chi trả trong những trường hợp này cũng chỉ mới đảm bảo một phần. Về lâu dài, chính sách bồi thường TNLĐ không chỉ đơn giản là bồi thường cho người bị nạn, mà còn tính cho các thế hệ con, hay người già cần phụng dưỡng. Nghĩa là, trong sự tự thỏa thuận đó nhiều khi quyền lợi của người bị nạn, của gia đình chưa được đảm bảo, còn thiệt thòi.
Nếu việc thỏa thuận đó diễn ra phổ biến thì tính nghiêm minh trong xử lý các vụ TNLĐ sẽ bị hạn chế rất nhiều. Nên, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan điều tra nếu có thông tin cần tiến hành xác minh, điều tra để xác định nguyên nhân, lỗi hành vi vi phạm để căn cứ vào đó xử lý tương xứng. Như thế thì tính nghiêm minh được đảm bảo hơn. Người dân có niềm tin hơn.
- Làm thế nào TPHCM có thể kiểm soát TNLĐ một cách tốt hơn?
* TPHCM đã đưa ra các biện pháp rất toàn diện cho việc kiểm soát TNLĐ. Nhưng tôi nghĩ, TP cần có đòn bẩy, điểm nhấn, cần thực chất. Thực chất, đó là phải yêu cầu công tác thanh tra kiểm tra hỗ trợ thế nào để doanh nghiệp xây dựng được hệ thống phòng ngừa và kiểm soát rủi ro cho doanh nghiệp.
Tôi khẳng định: chỉ khi nào chúng ta nhận diện được các nguy cơ mất an toàn, chỉ khi nào kiểm soát được nó, đánh giá được nó và có biện pháp tương ứng với từng rủi ro tại nơi làm việc, thì lúc đó chúng ta mới thành công. Còn tất cả các giải pháp về xây dựng chính sách, về đầu tư nguồn lực, về chính sách khác, nếu như không đi vào thực chất như trên - không tạo được hệ thống phòng ngừa, nhận diện được các rủi ro trong lao động sản xuất - thì các giải pháp sẽ rơi vãi trên đường, sẽ thất thoát ở đâu đó và không tác động đến người lao động hay doanh nghiệp .