Kiểm soát súng và lợi ích nhóm

Ngay sau vụ 2 nhà báo bị bắn chết trong chương trình phát sóng trực tiếp trên truyền hình tại Mỹ ngày 26-8, Chính phủ Mỹ đã kêu gọi Quốc hội nước này hành động khẩn trương để thông qua luật kiểm soát súng càng sớm càng tốt.

Ngay sau vụ 2 nhà báo bị bắn chết trong chương trình phát sóng trực tiếp trên truyền hình tại Mỹ ngày 26-8, Chính phủ Mỹ đã kêu gọi Quốc hội nước này hành động khẩn trương để thông qua luật kiểm soát súng càng sớm càng tốt.

Theo người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest, đây là một vụ nữa cho thấy bạo lực súng đạn đang trở nên quá phổ biến trong các cộng đồng lớn và nhỏ trên khắp nước Mỹ. Báo cáo mới đây của Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết, các vụ thảm sát bằng súng (dùng súng giết 4 người trở lên) tại Mỹ tăng đều đặn. Từ năm 1999 đến năm 2013, đã có 317 vụ với 1.554 người chết, 441 người bị thương. Mỹ là quốc gia có tỷ lệ người chết liên quan đến súng cao nhất trong các quốc gia phát triển. Tại Mỹ, hiện có khoảng 350 triệu khẩu súng dân dụng được đăng ký.

Mỹ còn có điều luật “open carry” tức là cho phép người dân thoải mái mang súng ở nơi công cộng một cách công khai. Thậm chí, nhiều bang còn đồng ý để công dân của họ giết người nếu bị đẩy đến tình thế nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều vụ nổ súng vẫn xảy ra khi nạn nhân chưa rơi vào tình huống bị đe dọa đến mạng sống. Nhiều người cho rằng luật về súng đạn của Mỹ dường như không có tác dụng. Điều gì đang xảy ra ở một quốc gia mà luôn xem thượng tôn pháp luật được đặt lên hàng đầu, nhưng luật pháp lại vô hiệu? Và tại sao những hậu quả đau xót từ bạo lực súng đạn đã thấy rõ nhưng khi Chính phủ Mỹ đề xuất kiểm soát súng đạn thì lại không được ủng hộ?

Điều này được giải thích trên The Guardian như sau: Luật pháp được lập ra để phục vụ chính sách, và chính sách thì được đề xuất bởi những tổ chức như Hiệp hội súng trường quốc gia (NRA). Từng là một tổ chức không mấy nổi bật của các thợ săn và những người đam mê súng trường, NRA hiện đã trở thành một trong những tổ chức chính trị quyền lực nhất của nước Mỹ. Theo một thông tin từng được tiết lộ của tờ Washington Post, NRA từng thành công trong việc giúp các ứng viên chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi năm 2010.

Cuối tháng 7 vừa qua, trả lời phỏng vấn hãng BBC, Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận rằng việc thất bại trong thắt chặt kiểm soát súng là nỗi thất vọng lớn nhất trong thời gian cầm quyền của ông. Theo ông Obama, số người chết vì bạo lực có sử dụng súng đã nhiều đến mức đáng sợ. Trong suốt hai nhiệm kỳ của mình, ông Obama và các cộng sự luôn cố gắng thúc đẩy việc kiểm soát súng chặt chẽ hơn nhưng đến giờ phút này vẫn không đạt được bất kỳ thay đổi quan trọng nào về luật. Trong khi phe ủng hộ Tổng thống Obama cho rằng việc kiểm soát súng là nền tảng để đảm bảo súng không rơi vào tay của những tên tội phạm, khủng bố, người có xu hướng bạo lực hay có vấn đề về tâm thần, đe dọa mạng sống người dân thì phe phản đối lại cho rằng kiểm soát súng chỉ là chiêu trò chính trị và “vấn đề không phải ở súng mà là ở hành vi người sử dụng”. Có thể thấy, lợi ích nhóm đang khiến nước Mỹ bị chia rẽ trong vấn đề kiểm soát súng và chỉ khổ người dân khi họ sẽ tiếp tục trở thành nạn nhân và phải trả giá bằng cả mạng sống của mình vì những mâu thuẫn này.


ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục