
Hơn 2/3 số xe được kiểm tra có vi phạm cách này, cách khác về hộp đen cũng như vẫn còn một số lấn cấn liên quan đến vấn đề này. Đó là ghi nhận trong những ngày đầu Thanh tra Giao thông Vận tải (GTVT) thành phố tiến hành kiểm tra, xử lý xe khách trên địa bàn.
Tỷ lệ vi phạm cao
Bắt đầu từ ngày 1-7, Đội 1 Thanh tra GTVT chính thức kiểm tra, xử lý đối với các phương tiện tham gia kinh doanh vận tải thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, quen gọi là hộp đen, theo Nghị định số 91 của Chính phủ.
Sáng 4-7 tại Bến xe miền Đông, tiến hành kiểm tra xe khách biển số 93B-001.67 chạy lộ trình Bến xe miền Đông - thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, các cán bộ của Đội 1 Thanh tra GTVT ghi nhận có hai lỗi vi phạm liên quan đến hộp đen: thiết bị giám sát hành trình không có dấu hợp quy của Bộ GTVT và không niêm yết hướng dẫn sử dụng theo quy định. Trong khi đó xe khách biển số 93B-000.31 vướng 3 lỗi: có hộp đen nhưng không đúng loại cổng kết nối 9 chân theo chuẩn RS232, gọi tắt là cổng DB9; không có đèn báo trạng thái hoạt động và không niêm yết hướng dẫn sử dụng. Xe khách biển số 93N-1299 cũng bị lập biên bản với các lỗi: không có dấu hợp quy, không đèn báo trạng thái hoạt động và không niêm yết hướng dẫn sử dụng.

Thanh tra GTVT đội 1 lập biên bản một trường hợp ô tô gắn hộp đen không đạt chất lượng lưu thông trên Quốc lộ 1 A. Ảnh: HUY KHÁNH
Thống kê trong tuần lễ đầu tiên áp dụng xử phạt, trong số 95 phương tiện được kiểm tra, Đội 1 Thanh tra GTVT đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 61 trường hợp, trong đó xe khách có 34 trường hợp, còn lại là xe container. Tính ra tỷ lệ vi phạm hơn 60%. Lỗi vi phạm phổ biến nhất liên quan đến hộp đen của các phương tiện có tham gia kinh doanh vận tải tính cho tới giờ phút này vẫn là có hộp đen nhưng không chiết xuất được thông tin để theo dõi, kế đến là lỗi không trang bị hộp đen theo quy định, tiếp sau là các lỗi không niêm yết bảng hướng dẫn sử dụng, không có cổng kết nối DB9…
Trong khi đó chỉ trong buổi sáng đầu tiên ra quân xử phạt, Đội 4 Thanh tra GTGT đã lập biên bản xử lý 6 trường hợp, tất cả đều là xe khách và cũng vấp những lỗi tương tự như trên. Đội trưởng Đội 4 Thanh tra GTVT, ông Lâm Trường Sơn cho biết, trọng điểm mà các thanh tra viên quan tâm chính là Bến xe miền Tây và dọc theo tuyến đường Kinh Dương Vương. Tất cả các trường hợp vi phạm bị lập biên bản nêu trên đều bị tạm giữ giấy phép lái xe trong 30 ngày và phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng/trường hợp.
Được biết lực lượng Thanh tra GTVT là thành phần nòng cốt đảm đương nhiệm vụ kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện tham gia kinh doanh vận tải. Được biết trong thời gian tới, các đơn vị khác thuộc Thanh tra GTVT cũng sẽ lần lượt ra quân kiểm tra kiểm soát tương tự, như Đội 7 lên lịch tiến hành kiểm tra từ hạ tuần tháng này…
Những điều lấn cấn
Sau hai tuần lễ đầu tiên tiến hành xử phạt, người ta nhận thấy vẫn còn đó những vấn đề đặt ra cho cả tài xế, chủ xe, nhà sản xuất lắp đặt hộp đen lẫn… Bộ GTVT. Là người trực tiếp và thường xuyên ra tận nơi để chỉ đạo các thanh tra viên trong đội kiểm tra các phương tiện thuộc diện phải trang bị hộp đen, ông Đàm Phan Phát - Đội trưởng Đội 1 đã đúc kết được một số tâm tư, vướng mắc từ các bác tài và điều đáng nói là các vướng mắc ấy tự nó lại phản ánh sự liên đới của cả chủ xe lẫn nhà sản xuất lắp đặt hộp đen.
Đội trưởng Đội 1 Đàm Phan Phát cho biết, đã xảy ra những tình huống như tài xế không biết thiết bị giám sát hành trình được lắp đặt ở đâu hoặc không biết vị trí cổng ra của hộp đen nằm ở chỗ nào trên xe! Điều này cho thấy chủ xe hoặc/và phía cung ứng lắp đặt hộp đen đã không hướng dẫn đầy đủ cho tài xế những thông tin, thao tác căn bản, cần thiết về hộp đen. Vì thế không lạ khi qua những ngày đầu tiến hành xử phạt, Đội trưởng Đàm Phan Phát phải đưa ra đề xuất, theo đó không phải phương tiện có gắn hộp đen rồi là hết nhưng nhà sản xuất, chủ xe, lái xe còn cần hỗ trợ, liên kết hiệu quả với nhau. “Đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình phải chú ý khâu hướng dẫn nhà xe cách sử dụng và đến lượt mình, doanh nghiệp vận tải cũng phải hướng dẫn cho các bác tài. Làm tốt điều này sẽ không để xảy ra tình huống khi được kiểm tra, tài xế không biết sử dụng thiết bị như thế nào hoặc thiết bị không chiết xuất được dữ liệu”- ông Phát nhấn mạnh.
Trong khi đó đã xuất hiện phàn nàn rằng Quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến hộp đen do Bộ GTVT ban hành vẫn còn những điều… không giống ai! Lãnh đạo của một đơn vị cung ứng thiết bị giám sát hành trình không muốn nêu tên cho biết, chẳng hạn như Điều 2.1.2 có nội dung yêu cầu hộp đen phải “ghi, lưu giữ, truyền phát qua mạng internet về máy tính của doanh nghiệp để lưu giữ các nội dung như: số lần và thời gian đóng mở của xe; số lần dừng đỗ phương tiện trên đường hành trình…”. Lãnh đạo này phân tích rằng những yêu cầu ấy chỉ thích hợp với xe chở khách theo tuyến cố định nhằm ngăn chặn nạn rước khách dọc đường chứ không thích hợp với các loại xe container, xe hợp đồng, xe vận tải hàng hóa, xe chở khách du lịch.
Tương tự, Điều 2.1.7 yêu cầu dung lượng bộ nhớ của hộp đen phải “đảm bảo ghi và lưu giữ các dữ liệu của xe trong thời gian tối thiểu 30 ngày”. Đối với nhà sản xuất và người sử dụng, bộ nhớ phải có dung lượng rất lớn mới có thể đáp ứng quy định này, nói cách khác đây là những nội dung gây phiền hà cho nhà sản xuất lẫn người sử dụng.
Tại sao lỗi “không niêm yết hướng dẫn sử dụng” xảy ra khá nhiều? Những người trong cuộc chỉ ra rằng, suy cho cùng đây cũng vì Bộ GTVT mà ra. Khi ban hành bộ quy chuẩn cách đây hơn 2 năm, Bộ GTVT không yêu cầu điều này nhưng mãi đến cuối năm ngoái mới đưa ra quy định bắt buộc ấy, tức là khi sự việc đã rồi. Bởi vì nhiều xe và nhà cung ứng lắp đặt đã hoàn tất việc trang bị hộp đen trên phương tiện rồi thì mới có quy định phải niêm yết bảng hướng dẫn sử dụng. “In và gắn bảng hướng dẫn trên xe không phải là vấn đề nhưng đơn giản vì là xe làm ăn, lăn bánh thường xuyên nên chủ xe không có thời gian để đưa xe cho nhà cung ứng thực hiện. Cũng không ngoại trừ do thời gian ban hành yêu cầu mới quá cập rập, cánh nhà xe không kịp áp dụng.” Một nhà cung ứng hộp đen nhận xét.
THIỆN NHÂN