Kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện một số chính sách trong Nghị quyết 30

Sáng 27-9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về lấy ý kiến dự thảo “Báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2022/QH15 của Quốc hội về các chính sách phòng chống dịch Covid-19”. Tham dự tại điểm cầu TPHCM có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đại dịch Covid-19 chưa có tiền lệ, vô cùng phức tạp, rất khó lường, đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, xã hội ở nhiều quốc gia. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân trên hết, trước hết. Trong quá trình chỉ đạo phòng chống dịch, nhiều vấn đề phát sinh chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành.

Theo Phó Thủ tướng, tại kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 30, trong đó có quy định về các chính sách phòng chống dịch Covid-19. Nghị quyết được ban hành kịp thời, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước trên tinh thần “tất cả vì sức khoẻ, tính mạng của nhân dân”.

Ghi nhận các ý kiến của đại diện Bộ - ngành và các tỉnh, thành, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế bổ sung, làm rõ hơn các vướng mắc thể chế, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 30, cần tiếp tục được hoàn thiện, làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm ở cấp nào; quan điểm, hướng xử lý đối với việc mua sắm cao hơn so với nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh tại các địa phương.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế nhanh chóng tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo đánh giá thực hiện Nghị quyết 30 để báo cáo Quốc hội, trong đó, cần làm rõ thêm các khó khăn, vướng mắc về thể chế.

“Hiện nay, thế giới chưa công bố hết dịch, hằng ngày, chúng ta vẫn còn phát hiện các ca nhiễm nên việc phòng chống dịch vẫn không được chủ quan, lơ là. Bộ Y tế nghiên cứu để tham mưu Chính phủ trình Quốc hội kéo dài thêm thời gian thực hiện một số chính sách trong Nghị quyết 30, nhất là liên quan đến mua sắm thuốc men, vật tư y tế để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh. 

Trước đó, tại hội nghị, các địa phương đồng tình cao với dự thảo báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội. Đồng thời kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện một số chính sách trong nghị quyết, nhất là tiếp tục thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc để bảo đảm nguồn cung ứng thuốc, nguyên liệu làm thuốc ổn định trên thị trường, bảo đảm có đủ thuốc phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân…

Tại điểm cầu TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định, Thành phố hoàn toàn thống nhất với Dự thảo Báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2022/QH15 của Quốc hội về các chính sách phòng chống dịch Covid-19; đồng thời cảm ơn Bộ Y tế đã tiếp thu đầy đủ ý kiến pháp lý của TPHCM để bổ sung, hoàn thiện trong dự thảo.

Kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện một số chính sách trong Nghị quyết 30 ảnh 1 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại điểm cầu TPHCM

Góp ý tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo TPHCM, đồng chí Dương Anh Đức cho rằng, cần sớm ban hành Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) cũng như hoàn thiện các chính sách khung pháp lý trong công tác mua sắm, trang thiết bị vật tư y tế nhằm đảm bảo hành lang pháp lý; trong Luật Khám chữa bệnh sửa đổi mới nên tập trung các cơ chế chính sách để củng cố hệ thống y tế cơ sở một cách vững vàng hơn. Trong cơ chế mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, thuốc men,… phải định hướng mua theo giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo chứ không mua theo giá rẻ nhất.

Bên cạnh đó, cần rà soát, củng cố, tăng cường hoàn thiện các hệ thống ứng dụng CNTT được phát triển trong quá trình phòng, chống dịch để nâng cao ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế… Đồng thời, sớm ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị định 60 của Chính phủ liên quan đến vấn đề tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong khi chưa có hướng dẫn thì cần có cơ chế hướng dẫn theo đúng tiến độ thực hiện.

Tin cùng chuyên mục