Vấn đề biển Đông được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm
Tiếp tục vấn đề về biển Đông đã được đề cập trong ngày đầu tiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa (Tiền Giang), Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nhấn mạnh, vấn đề biển Đông được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, đặt vấn đề bảo vệ biển đảo lên hàng đầu; các lực lượng thực thi kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền phù hợp với luật pháp quốc tế, lợi ích quốc gia dân tộc. Trước những ý kiến đóng góp của người dân, Đảng, Nhà nước luôn lắng nghe và đang kiên trì bảo vệ chủ quyền trên cơ sở kế thừa truyền thống theo quan điểm giữ nước là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; cương quyết không nhân nhượng vấn đề độc lập chủ quyền như khẳng định của Thủ tướng. Bảo vệ chủ quyền nhưng có sách lược trong từng trường hợp và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.
Bày tỏ chia sẻ của các đại biểu đại diện Bộ Quốc phòng, Đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) thống nhất quan điểm rằng, không có bất kỳ sự nhân nhượng nào khi nói tới bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Song đại biểu đề nghị cần có thông tin đầy đủ hơn, kịp thời hơn đến người dân, để người dân có sự yên tâm, tin tưởng vào việc bảo vệ chủ quyền của Đảng, Nhà nước.
Cũng liên quan đến vấn đề biển Đông, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, đây là nội dung mà không cần họp kín, cần cho dân biết. Phân tích thêm, theo ĐB, báo cáo của Chính phủ nói những nội dung đầy khích lệ như những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng, tuy nhiên, trước đó lại không nói chủ ngữ của hành động là ai. Trong khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trên diễn đàn quốc tế đã nói Trung Quốc là bên gây bất ổn. Ngay trên hội trường, có đại biểu cũng chỉ nói là tàu nước ngoài. Người dân sẽ thấy thế nào và người Trung Quốc thấy thế nào về cái tâm thế khó hiểu ấy và cho rằng không nên né tránh gọi tên về một quốc gia văn minh nhưng cũng đáng lên án bởi những việc làm trái với luật pháp quốc tế và lợi ích chính đáng của Việt Nam.
Khái quát hóa việc ứng phó với tình hình biển Đông, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề xuất: “Chúng ta cần chú trọng đến công luận, công khai và công pháp. Đó là sử dụng công luận để công khai các hoạt động phi pháp của Trung Quốc và chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở công pháp quốc tế để đấu tranh kiên quyết khi cần thiết”.
Phát triển nhanh nhưng phải bền vững
Tại phiên họp chiều 31-10, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trên cơ sở cân nhắc các yếu tố cung - cầu, Chính phủ đề xuất chỉ tiêu hợp lý tăng trưởng GDP là 6,8%, với CPI được kiềm chế dưới 4%, nhập siêu dưới 3%... Các động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2020 vẫn là khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao. Thừa nhận tỷ lệ giải ngân đầu tư công chậm, không đạt chỉ tiêu và thấp hơn cùng kỳ năm 2018, Bộ trưởng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, trong đó có việc kiên quyết điều chỉnh vốn từ hiệu quả thấp sang chỗ hiệu quả cao. Hiện thông tin về các bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm đã được công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính. Người đứng đầu ngành KH-ĐT “nhờ” các ĐBQH chung tay thúc đẩy tiến độ và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công tại địa phương mình.
Liên quan đến phát triển kinh tế, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn, Quỹ Tiền tệ quốc tế liên tục điều chỉnh tăng trưởng của kinh tế thế giới từ 3,6% xuống còn 3% thì việc Việt Nam tăng trưởng GDP đạt 6,98% sau 9 tháng là kết quả hết sức tích cực. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã tác động nhiều chiều đến Việt Nam. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới tăng cường bảo hộ mậu dịch, tạo ra nhiều rào cản. Do đó, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa thị trường trong nước, phát huy cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và tiến tới “Người Việt Nam thích dùng hàng Việt Nam”. Để kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị dành nguồn lực cho việc xây dựng hệ thống luật pháp, thể chế liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo; thể chế hóa vấn đề sở hữu trí tuệ và triển khai các tài sản trí tuệ người Việt Nam trên thế giới; liên kết vùng… ĐB cũng đề nghị, Nhà nước cần quan tâm đến thị trường tín dụng, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt chẽ hoạt động ngân hàng, tránh để nợ xấu quay lại. Chính phủ cũng cần tái cơ cấu thị trường tài chính, biến chứng khoán trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần quan tâm và có sự hỗ trợ để TPHCM xây dựng phát triển thành công trung tâm tài chính tiền tệ mang tầm quốc tế.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) thì đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về tăng trưởng GDP và những yếu tố đi kèm khác như cảnh báo của các chuyên gia (tăng trưởng GDP phải trả bằng giá nào, phân phối, phân bổ có bền vững?); có hay không việc doanh nghiệp trốn thuế và giải thể, lập doanh nghiệp khác… Bên cạnh đó, GDP không nên là tiêu chuẩn duy nhất đánh giá thành tích địa phương. Ở những vùng phên dậu đất nước nên có đánh giá khác chứ không phải là GDP; nếu không đánh giá đúng sẽ dẫn đến tình trạng chay đua, chệch hướng. Để phát triển bền vững, theo ĐB, chúng ta cần có con đường riêng và dựa vào 3 trụ cột: nâng cao văn hóa, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản. Trong phát triển đất nước, song song với việc tạo ra tài sản vật chất thì phải định hướng xã hội, người dân vào 3 trụ cột này vì nếu chỉ định hướng bằng tiền, kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài để tăng GDP sẽ đánh mất chủ quyền, lệ thuộc kinh tế, không tự chủ nhiều mặt khác. Thực hiện 3 trụ cột đó sẽ tạo ra bản sắc người Việt Nam, không giống người nước khác.
Chia sẻ với những kết quả đạt được năm 2019 nhưng ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) bày tỏ sự băn khoăn về thực tiễn vẫn đang đặt ra nhiều câu hỏi đáng suy nghĩ. Đó là trong khi chúng ta đang đẩy mạnh phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng việc thu phí BOT tự động trầy trật không thực hiện được mà người dân nói là câu giờ, có nhóm lợi ích trong đó; hay như chúng ta thí điểm giảm một phần bộ máy dân cử thì vụ lừa đảo của Alibaba gây thiệt hại cho người dân cho thấy bộ máy chính quyền chỉ vào cuộc khi người dân lên tiếng; vụ cháy tại Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông xảy ra khiến mọi người nhớ ra rằng chủ trương di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư vẫn đang giậm chân tại chỗ; vụ ô nhiễm nước sông Đà làm dân mất nước mang đến những suy nghĩ về sự tắc trách của cơ quan công quyền trước việc sinh tử của người dân…
* Tăng cường đầu tư cho văn hóa |