
Mấy ngày qua, dư luận trong nước rất quan tâm đến vụ đĩa phim dài 6 giờ bôi bác chuyện “108 anh hùng Lương Sơn Bạc” bằng những hoạt cảnh hài nhảm nhí, phản cảm. Chúng tôi đã phỏng vấn bà Nguyễn Thế Thanh, Phó Giám đốc Sở VHTT TPHCM phụ trách mảng nghệ thuật về vấn đề này.
- PV: Dư luận đang bức xúc về chuyện đĩa phim “108 anh hùng Lương Sơn Bạc”. Bà đánh giá mức độ sai phạm của vụ việc như thế nào?

- Bà NGUYỄN THẾ THANH: Trước hết phải khẳng định đĩa này do Trung tâm băng nhạc Thủy Hử ở hải ngoại làm. Đĩa vào Việt Nam là đĩa lậu. Trong chương trình có xen vào một số tiết mục đã được cấp phép. Thanh tra đang đối chiếu hồ sơ để làm rõ vụ việc. Trước khi báo đăng vụ này tôi đã có chỉ đạo phải thẩm định và làm rõ vụ việc. Phần lớn thời lượng còn lại trong đĩa phim được dàn dựng thêm, quay cảnh trí tại Việt Nam và Trung tâm băng nhạc Lạc Hồng gia công.
Giữa Lạc Hồng và Trung tâm Thủy Hử có hợp đồng hay không, hợp đồng những phần việc gì cụ thể Thanh tra Sở đang xem xét, đối chiếu. Việc được phép gia công đến mức nào và trong hợp đồng có mời ca sĩ nghệ sĩ, đạo diễn hay không cũng phải chờ kết luận của cơ quan thanh tra. Theo nhận định của tôi thì Lạc Hồng chắc đã nhận ra sai phạm. Tuy nhiên, trong số 19 tiết mục, có 6 bài ca nhạc và 2 tác phẩm hài đã được cấp phép.
- Hướng xử lý của Sở VHTT đối với vụ việc này?
- Tôi cho rằng Nhà nước trao quyền cho doanh nghiệp bằng cách quy định luật lệ để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đúng đắn vừa có lợi cho doanh nghiệp vừa có lợi cho xã hội. Có nhiều đơn vị chấp hành tốt, nhưng một số lại coi thường pháp luật, thậm chí vi phạm nhiều lần. Tôi cho rằng Lạc Hồng có nhiều chương trình tốt, nhưng vi phạm cũng có.
Ví dụ đĩa nhạc Đàm Vĩnh Hưng “Tình ca tuổi 50” trong đó có bài “Phố đêm” (xin phép là nhạc Nguyễn Tuấn Kiệt, nhưng lại in nhạc chế độ cũ) vừa mới bị phạt xong. Có sai phải xử lý nghiêm khắc, vi phạm tới đâu xử lý tới đó và tuyệt đối không có chuyện né tránh, bao che. Nhưng có lẽ vì chưa có quy định rút giấy phép kinh doanh, chỉ áp dụng biện pháp phạt tiền nên chưa đủ sức răn đe? Vì thế, có đơn vị chấp nhận bị phạt.
- Vậy, biện pháp phòng ngừa những trường hợp tương tự, thưa bà?
- Cần rà soát lại những quy định về quản lý sao cho phù hợp với thực tế. Song song với việc trao quyền tự chủ nhiều hơn cho đơn vị phải nâng cao tinh thần trách nhiệm nhiều hơn và củng cố ý thức thượng tôn luật pháp cho họ. Cần bổ sung những hình phạt đủ sức răn đe như rút giấy phép kinh doanh, giấy phép hành nghề…
- Xin đề cập một việc tế nhị: có phải Trung tâm băng nhạc Lạc Hồng trực thuộc Công ty cổ phần Nhiếp ảnh, là chỗ thân tình, nên Lạc Hồng mới ỷ thế vi phạm liên tục 2 lần trong một thời gian ngắn?
- Lạc Hồng có cách làm và nhận thức không đúng dẫn đến sai phạm và sai phạm là xử lý nghiêm túc. Không có chuyện châm chước hay ưu tiên gì cả. Vì rõ ràng so với các hãng băng nhạc khác thì Lạc Hồng không có hơn bất cứ điều gì, từ chuyện xin giấy phép, thời gian chờ giấy phép, số lượng giấy phép được cấp v.v…
Riêng số lượng giấy phép xin sở làm băng đĩa còn ít hơn Bến Thành, Rạng Đông, Phú Nhuận… Xin nhà báo cứ việc tìm hiểu thêm ở chỗ phòng quản lý nghệ thuật, thanh tra văn hóa để có nhận định thật khách quan về việc này. Riêng tôi nghĩ vì có quan hệ gia đình càng phải xử lý thật khách quan, thật đúng luật và trong xã hội chúng ta cũng có nhiều người có quan hệ gia đình làm chung một đơn vị, một ngành cũng cần nghiêm túc như vậy
XUÂN THÁI