Sáng 4-1, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (gọi tắt là dự án 1 luật sửa 8 luật).
Trong đó, liên quan đến các quy định về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng trong Luật Đầu tư, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư, gồm 227 ngành, nghề chưa quy định về hoạt động “kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng”.
Luật An ninh mạng chưa quy định cụ thể về hoạt động “kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng”, nhưng đã đề cập đến các sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng và các nội dung tương tự liên quan với chức năng bảo vệ hoạt động của con người, các thiết bị phần cứng, phần mềm, mạng và dữ liệu trên không gian mạng khỏi các tác nhân gây hại.
Theo báo cáo của Bộ Công an, việc bổ sung sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào Phụ lục IV của Luật Đầu tư và ban hành quy định về điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng sẽ đáp ứng được những yêu cầu cấp bách và tháo gỡ nhiều bất cập.
Một là, tạo căn cứ pháp lý để Chính phủ xây dựng “Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng”, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ an ninh mạng.
Hai là, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về quản lý sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng là góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh mạng, hiệu quả trong công tác bảo vệ an ninh mạng. Bộ Công an cho biết, chỉ trong 3 năm qua, bộ đã phát hiện gần 150 trường hợp lộ, lọt bí mật, với hàng ngàn tài liệu nội bộ, trong đó có nhiều tài liệu thuộc danh mục Mật, Tối mật và Tuyệt mật.
Ba là, góp phần thừa nhận, công nhận về mặt pháp lý đối với sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng, hiện đã và đang được kinh doanh trên thị trường là một ngành nghề để quản lý. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia đã hình thành nền công nghiệp an ninh mạng và thị trường an ninh mạng, quản lý và thúc đẩy kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng.
Bốn là, tạo hành lang pháp lý để quản lý, kiểm soát về chất lượng sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng khi đưa vào các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, các mục tiêu trọng yếu quốc gia. Sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng là các hoạt động có tổ chức của con người, các thiết bị phần cứng và phần mềm được tạo ra với mục đích bảo vệ hoạt động của con người, mạng, dữ liệu trên không gian mạng trước các tác nhân gây hại. Càng là các mục tiêu trọng yếu, yêu cầu về sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng càng khắt khe và nghiêm ngặt, bao gồm: các yêu cầu về chất lượng sản phẩm và điều kiện con người, với mục tiêu phòng hơn chống.
Năm là, góp phần quản lý, kiểm soát các sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng của nước ngoài đưa vào Việt Nam và đáp ứng yêu cầu, xu thế phát triển công nghệ của thế giới.
“Một số quốc gia trên thế giới đã quy định sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới cho thấy, có nhiều nước xây dựng, áp dụng các điều kiện đối với chủ thể kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng và đưa vào trong các văn bản pháp luật, điển hình là Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Singapore”, người đứng đầu ngành tư pháp cho biết.
Quy mô của ngành công nghiệp an ninh mạng toàn cầu năm 2019 đạt 124,401 tỷ USD và năm 2020 là 127,827 tỷ USD. Thị trường an ninh mạng của nước ta đã được hình thành, nhiều doanh nghiệp an ninh mạng đã được thành lập, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng, bán sản phẩm cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam đã mua các sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng từ các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. |