
Tại thời điểm này, đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp người ta hỏi nhau: “Mua thịt, cá, rau ở đâu cho sạch? Mua lúc nào thì còn hàng? Sản phẩm đó có nguồn gốc từ đâu?...”. Nói cách khác, bán và mua các loại thực phẩm an toàn (TPAT) đang được người tiêu dùng và doanh nghiệp (DN) cung ứng đặc biệt quan tâm.

Mua rau củ VietGAP tại quận 1, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng
Vào cuộc mạnh mẽ
Vào tháng 12-2015, Sở Công thương TPHCM đã công bố hệ thống các điểm bán hàng thực phẩm được công nhận Chuỗi TPAT đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP. Đây là kết quả của quá trình TPHCM quyết tâm, kiên trì triển khai “Đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm tại TPHCM giai đoạn 2013-2015”. Theo đó, có 5 đơn vị đăng ký thực hiện phân phối sản phẩm VietGAP, GlobalGAP, HACCP trên địa bàn TP, với tổng số 246 điểm bán. Nhóm các mặt hàng được đưa vào chuỗi chủ yếu vẫn là rau củ quả, thịt gia súc, thịt gia cầm và trứng gia cầm đã được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. Ngay sau đó, Sở Công thương tiếp tục công bố đợt 2 các điểm bán đạt chuẩn TPAT. Tính đến nay, trên địa bàn TP có hơn 50 DN tham gia Chuỗi TPAT, với tổng số 308 điểm bán. Ngoài ra, những mặt hàng được cấp chứng nhận Chuỗi TPAT đang kinh doanh phổ biến tại các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm, chợ truyền thống là rau củ quả của các HTX Phước An, Phú Lộc, Thảo Nguyên, Anh Đào; thịt gia súc của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty An Hạ; thịt gia cầm của Công ty Phạm Tôn; trứng gia cầm của công ty Ba Huân, Adeco, Vĩnh Thành Đạt…
Không chỉ các DN tham gia mạnh mẽ vào việc cung ứng, phân phối các loại TPAT, mà người tiêu dùng TP cũng hưởng ứng mạnh mẽ. Chị Nguyễn Thu Hiền, nhân viên kế toán, cư ngụ tại chung cư Mỹ Đức (quận Bình Thạnh), cho biết: “Từ ngày TP công bố các điểm bán TPAT, gia đình tôi thống nhất sẽ chỉ sử dụng thực phẩm từ hệ thống này. Khoản tiền ăn hàng ngày có thể tăng một chút, nhưng lại yên tâm hơn về chất lượng”. Bên cạnh các điểm bán được công nhận, trên thị trường cũng đã xuất hiện khá nhiều cách kinh doanh các loại thực phẩm được cho là an toàn. chỉ cần gõ vào cụm từ “thực phẩm an toàn online”, lập tức có hàng trăm địa chỉ giới thiệu hàng hóa hiện ra. Đó là chưa kể việc bán các loại thực phẩm được quảng bá là tự trồng, tự làm qua facebook, viber… cũng trở nên phổ biến và được khá nhiều người tiêu dùng hưởng ứng. Chị Thu Thảo (ngụ tại phường Thảo Điền, quận 2) đã trở thành “thủ lĩnh” của nhóm những người bạn chuyên đi săn các loại TPAT cho hay, sau khi kết nối thành công với một số hộ gia đình ở Bình Phước để có nguồn thực phẩm sạch như thịt heo, gà, vịt và rau sạch, mới đây chị Thảo lại gầy dựng nhóm chuyên làm đậu hũ để cung ứng theo đơn đặt hàng.
Nhưng lo vẫn lo
|
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, đơn vị chủ lực cung ứng thịt heo VietGAP, cũng cho hay sau hơn 6 tháng thực hiện các điểm bán TPAT, sản lượng heo bán ra chỉ tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2015. Mức tăng này không nhiều nhưng cái được là khi Vissan chính thức công bố việc tham gia chuỗi đã tác động mạnh mẽ đến các hộ chăn nuôi cũng như các địa phương đang tham gia cung ứng nguồn heo nguyên liệu cho Vissan. Theo đó, thương hiệu, uy tín của công ty cũng được nâng lên.
Tuy vậy, điều khiến ông Mười lo lắng, việc phát triển các điểm bán TPAT trong thời gian qua là do các DN tự đăng ký, tự chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng. Nếu DN tham gia không kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu đầu vào sẽ để lọt những lô hàng không đạt chất lượng, ảnh hưởng không tốt đến các điểm bán chung trong chuỗi. Đó là chưa kể tình trạng các lò giết mổ lậu trên thị trường vẫn hoạt động, gây cạnh tranh không sòng phẳng về giá trong lưu thông. Theo phân tích của ông Mười, hiện Vissan đã và đang áp dụng chặt chẽ quy trình kiểm tra và giết mổ, ngay cả cách trả tiền cho đối tác cũng dựa theo cách cân đo heo hơi theo tỷ lệ nạc, mỡ nhằm tránh thiệt hại cho người chăn nuôi. Nhưng khi đưa sản phẩm vào tiêu thụ lại không cho phép giá bán chênh lệch quá cao so với giá thịt chung trên thị trường. Chính điều này đã làm cho mảng thực phẩm tươi sống gần như không có lãi.
Tương tự, ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thảo Nguyên, chuyên cung cấp các loại rau VietGAP, phản ánh ngay sau khi TPHCM công bố chuỗi các điểm bán TPAT, công ty cũng đã chuẩn bị các phương án tăng sản lượng gieo trồng vì hy vọng mức cầu sẽ tăng nhưng kết quả không mấy khả quan. Công ty đã kiên trì chào hàng các loại rau VietGAP tại nhiều chợ loại 1 của TP nhưng đến nay vẫn chưa thiết lập được các đầu mối tiêu thụ. Hầu hết các tiểu thương không quan tâm đến DN bán rau sạch hay không sạch, điều họ cần là giá rau phải thật rẻ! “Sở Công thương thì mong muốn phát triển sản xuất và phân phối theo chuỗi, nhưng khi gặp tiểu thương thì lại xung đột về lợi nhuận của họ nên chưa tìm được tiếng nói chung. Cứ với đà này thì rau VietGAP rất khó có thêm đất để phát triển”, ông Sơn nói.

Mua rau củ Vietgap tại siêu thị Coomart Cống Quỳnh. Ảnh: Cao Thăng
Chủ trương thúc đẩy cung cấp nguồn hàng đạt chứng nhận VietGAP của UBND TPHCM nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các sở, ngành, DN, đặc biệt là người tiêu dùng TP. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để quản lý tốt nguồn hàng, tránh tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” tại các điểm bán? Câu hỏi này cần đặt lên bàn của các DN và các cơ quan chức năng.
HẢI HÀ
| |