Tờ The Times of Israel dẫn lời chuyên gia Esfandyar Batmanghelidj của Diễn đàn Doanh nghiệp châu Âu-Iran cho hay người dân Iran thường hay biểu tình, bày tỏ bất bình trước các vấn đề kinh tế - xã hội thuần túy như tình trạng thiếu công ăn việc làm, tương lai bất định… Nhiều khả năng chính sách khắc khổ mà Tổng thống Iran Hassan Rouhani áp dụng từ năm 2013 là nguồn cội của các bất ổn trong những ngày qua.
Theo ông Batmanghelidj, người dân Iran, sau một giai đoạn bị cấm vận khó khăn, giờ lại đối mặt với các khoản ngân sách xã hội giảm, giá nhiên liệu tăng... nên càng thêm mất kiên nhẫn. Từ nhiều năm qua, nền kinh tế Iran đã có nhiều dấu hiệu hụt hơi.
Nhiều cuộc biểu tình nhỏ đã diễn ra vài tuần trước khi các cuộc bạo động diễn ra, do các công đoàn phát động phản đối việc trả lương chậm cho những người làm việc trong ngành khai thác dầu, việc đóng cửa nhà máy sản xuất xe máy kéo và nhất là bong bóng địa ốc bùng nổ dẫn đến việc sụp đổ các cơ sở tín dụng. Khó khăn về kinh tế đang ảnh hưởng nhất định đến giới trẻ của quốc gia Hồi giáo này.
Hơn một nửa dân số Iran là những người trẻ hơn 30 tuổi và 20% (có nguồn tin đưa là gần 40%) số người này đang ở trong cảnh thất nghiệp. Theo Ahmad Parhizi, một nhà báo tại Tehran, đa số những người xuống đường phản đối là giới trẻ Iran, bức xúc vì chưa thấy được tương lai sáng sủa nào trước mắt. Họ tìm cách tác động lên tất cả các đảng phái chính trị, nhất là những người ủng hộ cải cách bên trong chính phủ. Họ mất niềm tin vào chính phủ hiện nay không có khả năng giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị và nhất là chống tham nhũng.
Tuy nhiên, nhà báo Ahmad Parhizi cũng nhận định rằng rất có thể các đối thủ chính trị của phe chủ trương ôn hòa muốn tìm cách phá hoại các chính sách kinh tế của Chính phủ Iran. Các vụ bạo động bắt đầu nổ ra từ Mashhad, TP lớn thứ 2 của Iran theo một lời kêu gọi nặc danh từ phía đối thủ của Tổng thống Rouhani. Những người này đang tìm cách hạ bệ vị tổng thống có chủ trương ôn hòa hoặc chí ít là làm suy yếu vị thế của ông Rouhani.
Trong khi đó, chính quyền Tehran đã cáo buộc “lực lượng thù địch ngoại bang” kích động làn sóng phản đối, vào lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump có những tuyên bố thể hiện rõ lập trường chống Iran. Theo Giáo sư Mohammad Ali Kadivar, Đại học Brown (Mỹ), từ trước khi đắc cử cho đến nay, Tổng thống Mỹ luôn có thái độ thù địch với Iran. Nếu ông Donald Trump thật sự quan tâm đến số phận của người dân Iran, Tổng thống Mỹ nên bắt đầu bằng việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận của nước này nhằm vào Tehran.
Bộ Ngoại giao Syria đã cáo buộc Mỹ gây mất ổn định khu vực, đồng thời nhấn mạnh cần phải tôn trọng chủ quyền của Iran, không một quốc gia nào được can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Đồng quan điểm với tuyên bố của Syria, Giáo sư Kadivar khẳng định: “Mọi người dân Iran mong muốn Mỹ, cũng như những nước khác, đứng ngoài chuyện này. Iran có quyền tự quyết, độc lập và muốn tự giải quyết mọi vấn đề”.