
* Thưởng Tết Nguyên đán trung bình: 5,53 triệu đồng
(SSGP).- Chiều 19-1 tại Hà Nội, Bộ LĐTB-XH đã tổ chức hội nghị công bố kết quả khảo sát tình hình tiền lương của người lao động trong năm 2015 và mức tiền thưởng Tết 2016 trong khối doanh nghiệp.
Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động và tiền lương, cho biết, qua khảo sát tại tất cả các doanh nghiệp trong cả nước cho thấy một tín hiệu rất lạc quan về tiền lương và thu nhập của người lao động khi năm 2015, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và đạt mức tăng trưởng cao, trong khi lạm phát được kiểm soát; tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ổn định và thuận lợi hơn. Mức tăng trưởng GDP năm 2015 đạt 6,68% và cao hơn mục tiêu 6,2% đề ra, trong đó tăng trưởng của các ngành công nghiệp và xây dựng ở mức cao nhất. Năng suất lao động xã hội theo giá hiện hành ước đạt 79,3 triệu đồng/lao động (tương đương 3.657USD). Nhờ vậy, mức tiền lương của người lao động năm 2015 có xu hướng tăng, bình quân đạt 5,53 triệu đồng/người/tháng (tăng 8%).
Trong đó đứng đầu về lương là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đạt trung bình 7 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp tư nhân đạt 4,99 triệu đồng; FDI đạt 5,47 triệu đồng. Người lao động tại các ngành công nghiệp và xây dựng có mức lương tăng cao nhất (11%) - nhất là dệt may, da giày, túi xách, do số lượng đơn hàng ổn định. Chỉ một số ngành như cao su, dầu khí… tiền lương giảm do ảnh hưởng bởi tình hình giá cả thị trường thế giới làm cho doanh thu, lợi nhuận sụt giảm. “Ngành cao su với khoảng 120.000 lao động mặc dù năng suất vẫn tăng 6% nhưng do giá bán giảm, hiện còn 31 triệu đồng/tấn nên tiền lương giảm 4% - 5%, còn các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam do giá dầu giảm mạnh nên tiền lương giảm 3% - 5%” - bà Tống Thị Minh chia sẻ.
Đối với tình hình tiền thưởng tết 2016, thông tin từ Bộ LĐTB-XH cho biết, đối với Tết Dương lịch vừa qua, mức thưởng trung bình đạt 1,18 triệu đồng/người (tăng 1,6%) và TPHCM là địa phương có doanh nghiệp có mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất, hơn 2 tỷ đồng (doanh nghiệp FDI). Còn tiền thưởng Tết Bính Thân 2016 có mức bình quân là 5,53 triệu đồng, tăng 15,7% so với năm ngoái. Người có mức thưởng cao nhất là 624 triệu đồng thuộc một doanh nghiệp FDI ở tỉnh Hải Dương và mức thấp nhất là 40.000 đồng cũng tại một doanh nghiệp FDI ở tỉnh Bình Phước. Đây là kết quả được khảo sát và báo cáo từ 13.178 doanh nghiệp sử dụng 2,4 triệu lao động tại 63 tỉnh và thành phố. Tuy nhiên, theo bà Tống Thị Minh, hiện vẫn còn 14 doanh nghiệp ở 8 tỉnh còn nợ 16,5 tỷ đồng tiền lương của 2.300 lao động và khoảng 1.700 doanh nghiệp chưa có kế hoạch thưởng tết hoặc không thưởng tiền tết cho người lao động.
Cùng ngày, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO tổ chức họp báo giới thiệu chương trình “Đại gia đình cảm ơn người phụ nữ của năm” đưa hơn 1.600 nữ thanh niên công nhân về quê ăn Tết Bính Thân 2016.
Thông tin từ Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (HEPZA), tính đến thời điểm hiện nay, mới có 307 doanh nghiệp trong tổng số 1.158 doanh nghiệp đang hoạt động trong HEPZA báo cáo về tình hình chăm lo Tết Bính Thân 2016 cho người lao động. Theo đó, mức thưởng cao nhất của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước là 600 triệu đồng (thuộc về ngành sản xuất bao bì nhựa), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 197 triệu đồng. Mức thưởng thấp nhất là 3,1 triệu đồng, cao hơn năm 2015.
Về chương trình “Tấm vé nghĩa tình”, HEPZA đã vận động được 4.338 vé xe cho người lao động từ tỉnh Phú Yên đến Hà Nội; 3 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và 2 tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Gia Lai. Dự kiến chương trình trao vé xe sẽ diễn ra vào ngày 21-1. Ngoài ra, HEPZA phối hợp với Công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn tổ chức chương trình “Vui tết quê nhà” và trao 2.801 vé xe cho công nhân có quê thuộc 10 tỉnh miền Trung. Đến nay, đã có 20 doanh nghiệp thông báo hỗ trợ 100% giá vé với số lượng 2.740 vé xe cho công nhân về quê trong dịp tết năm nay. Dự kiến tổng số tiền doanh nghiệp trong HEPZA chăm lo tết cho người lao động dịp Tết Bính Thân năm nay sẽ hơn 50 tỷ đồng.
Chiều 19-1, đại diện Báo SGGP đã đến thăm và tặng quà tết sớm cho 60 gia đình chính sách và gia đình khó khăn của huyện Côn Đảo. Mỗi phần quà trị giá 1 triệu đồng được trích từ chương trình Nghĩa tình Trường Sơn do Công ty Suntory PepsiCo VN tài trợ. Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo Nguyễn Anh Nhựt chia sẻ: “Nghĩa cử của Báo SGGP và Công ty Suntory PepsiCo VN đã cùng địa phương góp phần chăm lo, giúp đời sống của người dân bớt đi gánh nặng vật chất và tạo điều kiện cho bà con đón một cái tết đủ đầy và đầm ấm, nghĩa tình hơn”.

Phó Tổng biên tập Báo SGGP Lý Việt Trung trao quà tặng người dân nghèo huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: LÊ NHUNG
Trong hai ngày 18 và 19-1, Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) đã phối hợp với Ủy ban MTTQVN tỉnh Đồng Nai và Hội Người cao tuổi huyện Tân Phú và Định Quán (Đồng Nai) tổ chức trao gần 500 phần quà Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 cho các hộ nghèo ở 2 xã Trà Cổ (huyện Tân Phú) và Thanh Sơn (huyện Định Quán). Trị giá mỗi phần quà là 500.000 đồng, trong đó có 250.000 đồng tiền mặt, còn lại là hàng thực phẩm phục vụ tết.
NHÓM PV