
Với khoảng 5.000 tỷ USD dành cho các chương trình tín dụng và tiêu dùng đặc biệt, các nền kinh tế lớn trên thế giới đang tìm cách lấy lại đà tăng trưởng và năm 2010 sẽ tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực. Đây là nhận định của 150 chuyên gia kinh tế quốc tế trong cuộc thăm dò dư luận của Reuters.

Vui mừng vì kinh tế khởi sắc, người dân Manhattan, Mỹ tấp nập mua sắm dịp cuối năm.
Theo kết quả cuộc thăm dò, dựa trên những số liệu khả quan về hoạt động sản xuất kinh tế và thương mại toàn cầu, Mỹ, nền kinh tế đầu tàu thế giới, khu vực đồng EUR, Anh và Nhật Bản dự báo sẽ tăng trưởng trong quý 4 năm nay, tạo đà cho năm tới.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng năm 2010 có thể chậm và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, song hầu hết giới chuyên gia đều lạc quan về triển vọng phục hồi của các nền kinh tế lớn. Các chuyên gia cho rằng thất nghiệp cao sẽ ảnh hưởng tới các nguồn tài chính vốn khá eo hẹp của chính phủ, buộc các nước phải can thiệp nếu nền kinh tế lại suy thoái lần nữa.
Trong khi đó, gánh nặng nợ nần chồng chất cũng bắt đầu báo động các nhà kinh tế và giới đầu tư. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng trong năm 2010, nợ của các nước thuộc nhóm 7 nước phát triển nhất thế giới (G-7) sẽ tăng và xu thế này có thể duy trì cho đến năm 2014.
Ngoài ra, nhiều người tiêu dùng cũng trong tình trạng nợ nần, đặc biệt là tại Mỹ và Anh. Cân nhắc yếu tố này với những bất thường trong dòng chảy tín dụng giữa các ngân hàng và người vay cùng tỷ lệ thất nghiệp cao và dự báo không rõ ràng về lạm phát, theo giới chuyên gia, ngân hàng trung ương các nền kinh tế lớn sẽ buộc phải duy trì tỷ lệ lãi suất thấp, ít nhất là đến nửa đầu năm 2010 và có thể kéo dài sang năm 2011.
Giới chuyên gia cũng nhìn lại năm 2009 và đánh giá đây là một năm vô cùng khó khăn đối với nền kinh tế thế giới, nhưng hậu quả của nó cũng không quá nặng nề như người ta đã từng lo ngại. Các chính phủ đã can thiệp bằng cách cắt giảm lãi suất cơ bản, đổ thêm tiền vào nền kinh tế, triển khai nhiều chương trình kích thích tiêu dùng. Tuy chưa rõ liệu nền kinh tế sẽ phản ứng như thế nào khi không còn được kích cầu nữa, nhưng tình hình dường như khả quan hơn.
V.L. (Theo Reuters, THX)