Kinh tế thế giới vẫn còn bất định

Những dấu hiệu hồi sinh

Khi nền kinh tế Mỹ hắt hơi, kinh tế thế giới cảm. Đó là nhận định chính xác để nói về tầm quan trọng của nền kinh tế số một thế giới. Theo các chuyên gia, năm 2012 nền kinh tế Mỹ ở tình trạng nửa suy thoái, nửa tăng trưởng. Điều đó cho thấy bên cạnh nguy cơ vẫn còn nhiều hy vọng để kinh tế Mỹ thật sự hồi phục trong năm 2013.

Những dấu hiệu hồi sinh

“Tôi lạc quan rằng những ngày tồi tệ nhất đã ở phía sau chúng tôi”, nhà kinh tế Diane Swonk nói với ABC News về tình hình kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, ông thêm: “Tôi không nghĩ rằng những ngày tốt đẹp nhất ở phía trước chúng ta”. Trong khi cơ hội tạo việc làm ngày càng tăng trong năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn ở mức cao dai dẳng, gần 8%. Trong năm 2012, người lái xe Mỹ còn phải mất thêm tiền cho xăng dầu. Có lúc, người dân ở Los Angeles phải trả 5 USD cho một gallon xăng (khoảng 26.400 VNĐ/lít). Tuy nhiên, dẫu sao, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cao là điều đáng mừng với kinh tế Mỹ. Nếu ngành công nghiệp khai thác dầu và khí đốt ăn nên làm ra có nghĩa có thêm nhiều việc làm ở nhiều lĩnh vực khác.

Ở lĩnh vực bất động sản và xe hơi, trong năm 2012 ở Mỹ đều có chỉ số tăng. Dự báo của Edmunds.com cho biết doanh số bán xe hơi của Mỹ tăng 14% trong năm 2012 so với năm 2011. Theo trang web của tập đoàn bất động sản Zillow, thị trường nhà ở của Mỹ đang tiến đến bước ngoặt kể từ tháng 9-2012. Giá nhà ở của Mỹ tăng hơn 5% trong năm 2012, tính đến tháng 10-2012. Doanh số bán nhà đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp Mỹ được cải thiện trong năm 2012. Điều đó đã giúp thị trường chứng khoán ổn định. Một tuần trước khi kết thúc năm 2012, chỉ số Standard & Poor 500, được sử dụng như một điểm chuẩn cho nhiều quỹ đầu tư, tăng 12%.

Tại châu Âu, có một số tiến bộ trong năm 2012. Hy Lạp vẫn gượng dậy để không phải đứng trước lựa chọn tách hay không tách khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Chính phủ Tây Ban Nha được EU cứu trợ ngân hàng. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, Mario Draghi, bị sức ép từ Chính phủ Đức, nước đóng góp tài chính lớn nhất trong EU, cam kết không để các khoản vay của các nước thành viên vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc, trong năm 2012 mặc dù tăng trưởng kinh tế không đạt chỉ tiêu đề ra và kém xa mức 2 con số trong giai đoạn những năm đầu thế kỷ nhưng nước này đang thực hiện các biện pháp cải cách theo chiều sâu, nhắm đến tăng trưởng bền vững và giảm dần sự phụ thuộc vào hàng xuất khẩu.

Khó khăn vẫn còn phía trước

Dự báo, kinh tế toàn cầu trong năm 2013 ít nhiều bị tác động bởi yếu tố chính trị. Tháng 9-2013, nước Đức sẽ tổng tuyển cử và Thủ tướng Angela Merkel có ở lại vị trí này hay không vẫn chưa rõ. Nếu người khác lên, rất có thể chuyện nước Đức rót tiền cứu trợ các thành viên EU gặp khủng hoảng tài chính sẽ trở nên khó khăn hơn, khi đó chưa biết con thuyền kinh tế của EU sẽ đi về đâu. Tương tự là Mỹ, tranh cãi kéo dài triền miên về chi tiêu và thuế giữa Nhà Trắng của đảng Dân chủ và Quốc hội do đảng Cộng hòa chiếm đa số sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế số một thế giới. Ngoài ra, hiệu quả của các gói kích thích kinh tế Mỹ vẫn đang là dấu hỏi bất chấp đã có một số dấu hiệu hồi phục trong năm 2012. Phần lớn các nhà kinh tế đều cho rằng chuyện kinh tế Mỹ hồi phục hoàn toàn trong năm 2013 là nhiệm vụ bất khả thi.

Tại EU, bất chấp Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) can thiệp mạnh mẽ để ổn định tiền tệ tại eurozone, nền chính trị và kinh tế của EU rộng lớn hơn vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Các biện pháp hướng tới một liên minh ngân hàng EU chặt chẽ hơn, tăng trách nhiệm của quốc hội của EU hay một hiến pháp mới về tài chính chỉ đang ở giai đoạn sơ khai, khó đảm bảo chống chọi với cơn khủng hoảng tài chính hiện hữu. Ngoài ra còn có sự thờ ơ của một vài quốc gia EU, như Anh chẳng hạn, không mặn mà với việc cứu giúp các nước trong eurozone. Hơn thế nữa, mâu thuẫn giữa các nước đầu tàu của EU như Pháp và Đức cũng có thể đe dọa đến tương lai chính trị và kinh tế của EU.

Giữa Mỹ và Trung Quốc, trong năm 2013, có thể nguy cơ chiến tranh tiền tệ không cao do thặng dư xuất khẩu Trung Quốc giảm nhưng theo các nhà kinh tế, căng thẳng về chuyển giao công nghệ và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ có khả năng sẽ thống trị các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Trung Quốc trong năm 2013 và có thể sẽ dẫn đến nhiều hành động trả đũa thương mại.

Thụy Vũ

Tin cùng chuyên mục