Ngày 19-10, Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố số liệu thống kê mới nhất cho thấy, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3 nước này chỉ đạt 6,9%, trong bối cảnh các thị trường toàn cầu đang đối mặt nhiều nguy cơ lớn.
Tín hiệu đáng ngại?
Theo báo cáo, quý 3 GDP của Trung Quốc đạt 48.780 tỷ nhân dân tệ (khoảng 7.680 tỷ USD). Người phát ngôn của NBS thừa nhận áp lực giảm tốc về phát triển kinh tế Trung Quốc vẫn tồn tại. Đây là mức tăng trưởng GDP thấp nhất trong hơn 6 năm gần đây. Các chuyên gia nhận định, số liệu chính thức trên có thể coi là sự xác nhận đầu tiên cho những lo ngại của các nhà đầu tư về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc kể từ sau khi thị trường chứng khoán nước này bất ngờ sụt giảm mạnh hồi tháng 7 kéo theo động thái liên tục điều chỉnh tỷ giá đồng NDT hồi tháng 8 vừa qua. Với chỉ số giá sản xuất sụt giảm 43 tháng liên tiếp, ngành sản xuất của Trung Quốc ngày càng gặp nhiều khó khăn. Giá hàng hóa trên toàn thế giới sụt giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà xuất khẩu của nước này.
Thị trường chứng khoán Sydney ngày 19-10 phản ứng tích cực với thông tin về nền kinh tế Trung Quốc
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tỏ ra lo ngại về sự suy giảm này. Trung Quốc tăng trưởng chậm đã khiến giá hàng hóa thế giới lao dốc theo và ảnh hưởng tiêu cực đến các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu sang nước này. “Chúng tôi rất lo ngại về kinh tế trong nước và sẽ nỗ lực làm việc để giải quyết chúng”, ông Tập Cận Bình cho biết trong một bài phỏng vấn cuối tuần trước trên Reuters. Cuối tháng này, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ họp bàn về kế hoạch 5 năm 2016-2020, trong đó xem xét kỹ các dấu hiệu để Bắc Kinh có thể can thiệp mạnh hơn nữa nhằm kích thích tăng trưởng.
Các thị trường chứng khoán châu Á cùng ngày cũng có phản ứng trái chiều sau khi NBS công bố số liệu trên, tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản hạ 103,8 điểm ngay thời điểm mở cửa phiên giao dịch, chấm dứt chuỗi tăng điểm kéo dài hai phiên trước đó. Chỉ số Hang Seng của Hồng Công (Trung Quốc) cũng giảm 0,28%. Đi ngược với xu hướng trên, tại Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite nhích lên 0,3%; chỉ số S&P/ASX200 tại thị trường Sydney (Australia) cũng tăng thêm 0,2%.
Ba nguy cơ lớn
Tờ Financial Times dẫn nhận định của cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers cho biết, kinh tế toàn cầu hiện phải đối mặt với những nguy cơ được đánh giá là trầm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Nguy cơ đầu tiên là tình trạng “trì trệ trường kỳ” tại các nước phát triển - nghĩa là tăng trưởng kinh tế ở mức không thỏa đáng, dù đã viện tới chính sách nới lỏng tiền tệ - trong khi các thị trường mới nổi lớn, đi đầu là Trung Quốc, đang có phần sa sút. Chiều hướng này có thể dẫn tới một vòng luẩn quẩn: nhịp độ tăng trưởng chậm lại của các nước công nghiệp gây tác động xấu tới các thị trường mới nổi, từ đó tác động ngược trở lại, làm giảm nhịp độ tăng trưởng của các nước phương Tây. Đối với các nền kinh tế công nghiệp hóa hiện có đà tăng trưởng gần như chững lại, họ dường như không còn đủ sức để đương đầu với bất kỳ cú sốc quy mô toàn cầu nào. Vấn đề đáng lo là việc các nhà hoạch định chính sách dường như đánh giá thấp nguy cơ các nước phương Tây cũng như toàn thế giới rơi trở lại suy thoái có thể khiến họ thiếu đi công cụ để đối phó một khi xảy ra tình trạng này.
Mối nguy cơ kế tiếp liên quan tới những dự báo gần đây cho thấy tăng trưởng GDP tại hầu hết các nước đều bị điều chỉnh giảm. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP danh nghĩa năm 2020 của Mỹ xuống còn 6%, châu Âu xuống còn 3%, trong khi Trung Quốc còn 14%, các thị trường mới nổi 10% và nền kinh tế thế giới giảm xuống chỉ còn 6%. Ngoài ra, còn phải kể tới việc lượng vốn ròng chảy vào các nước đang phát triển - từ lâu vốn là điểm sáng kinh tế toàn cầu - giảm mạnh từ đầu năm đến nay. Chỉ riêng vốn tư nhân thoái lui khỏi các nước đang phát triển trong khoảng thời gian này đã giảm khoảng 1.000 tỷ USD, đánh dấu lần sụt giảm đầu tiên trong gần 30 năm qua.
VIỆT ANH (tổng hợp)