Theo các cuộc thăm dò mới nhất, người dân Mỹ đang trở nên lạc quan hơn về tương lai kinh tế nước này và vai trò lãnh đạo của Tổng thống Barack Obama. Đây chính là lực cản lớn với ứng viên Tổng thống Mitt Romney thuộc đảng Cộng hòa khi chỉ còn 5 tuần nữa diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Ngay cả tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức trên 8%, liên tục trong 43 tháng, các cuộc thăm dò cho thấy cử tri cảm thấy dễ chịu trước một số dấu hiệu cải thiện nền kinh tế trong đó có lòng tin của người tiêu dùng tăng mạnh trong tháng 9 nhờ thị trường nhà ở cải thiện. Các cuộc thăm dò cho thấy ông Obama đang dẫn điểm ông Romney ở nhiều bang quan trọng như Ohio, Florida, Virginia…
Nếu kết quả thăm dò hồi tháng 6 cho thấy khoảng cách về tỷ lệ ủng hộ của cử tri giữa hai ứng viên không cao, đến tháng 9, tỷ lệ ủng hộ ông Obama 50% trong khi tỷ lệ ủng hộ ông Romney 43%. Cụ thể, trong cuộc thăm dò của báo Washington Post, khi được hỏi rằng “Ai hiểu biết hơn các vấn đề kinh tế của người Mỹ”, ông Obama dẫn ông Romney với tỷ lệ 53%-49% tại bang Florida, 54%-37% ở Virginia và 57%-34% ở Ohio.
Nếu tình hình kinh tế Mỹ tiếp tục có nhiều dấu hiệu cải thiện, ông Obama sẽ có nhiều cơ hội ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa. Thế nhưng không thể nói trước được mọi thứ khi kinh tế Mỹ chưa thực sự khiến cử tri an tâm. Kể từ khi ông Obama vào Nhà Trắng gánh vác “di sản” của người tiền nhiệm tới nay, đã có một số dấu hiệu hồi phục lẻ loi của kinh tế Mỹ nhưng sau đó màu xám vẫn bao trùm. Vì thế, ngay trước cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình (trong tổng số 3 cuộc) vào ngày 3-10 tới tại Denver, bang Colorado, cả ông Obama và ông Romney đều tỏ ra khiêm tốn.
Phát biểu trước 11.000 người tại một trường trung học ở bang Nevada, hãng tin Reuters trích lời ông Obama nói: “Thống đốc Romney là một người tranh luận giỏi. Tôi chỉ tạm được”. Ông Obama cũng cho rằng điều cần nhất hai ứng viên thảo luận là “đảm bảo cuộc sống người lao động Mỹ, đó là điều người dân Mỹ muốn nghe”. Paul Ryan, ứng viên Phó Tổng thống liên danh với ông Romney, cho rằng: “Tôi không nghĩ rằng cuộc tranh luận có thể tạo cú đột phá cho các ứng viên”.
Lịch sử cho thấy, các cuộc tranh luận hiếm khi tạo ra được một cú hích thật sự đối với các ứng viên tổng thống Mỹ vì dù họ nói hay đến mức nào nhưng các chỉ số ảm đạm của nền kinh tế sẽ là thực tế không thể phủ nhận. Nhiều cử tri Mỹ lập luận rằng lòng tin của người tiêu dùng tăng nhưng vấn đề quan trọng hơn, họ vẫn chưa chi tiêu nhiều, ít người mất việc hơn không có nghĩa thêm nhiều người có việc làm, giá nhà và chứng khoán tăng nhưng lương người lao động giảm, doanh số bán xe hơi tăng nhưng sản xuất vẫn chưa tăng…
Theo các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý 2-2012 là 1,3%, quá thấp để có thể giảm tỷ lệ thất nghiệp. Hầu hết các nhà kinh tế dự báo kinh tế Mỹ sẽ rất khó cải thiện trong cả năm 2012 nếu trong 2 quý còn lại tốc độ tăng không đáng kể. Chính vì thế, xem ra kinh tế Mỹ chưa lấy lại sức mạnh vốn có trong một thời gian ngắn như cử tri mong đợi và như thế các ứng viên tổng thống Mỹ còn rất nhiều việc phải làm.
THỤY VŨ