
Những ngày hội phim hoạt hình đã kéo dài trong suốt 2 tháng qua tại Idecaf , trong đó một điểm nhấn phải kể đến là chương trình giới thiệu loạt phim “Kirikou”. 2 bộ phim “Kirikou và bà phù thủy” và “Kirikou và những con thú hoang”, niềm tự hào của hoạt hình Pháp đã được tôn vinh trong ngày hội là những bộ phim vực dậy nền hoạt hình Pháp. Điều đặc biệt nhất là bộ phim “Kirikou và những con thú hoang” đã được thực hiện tới ¾ công đoạn ở Việt Nam với sự tham gia của đông đảo họa sĩ Việt Nam...

Bộ phim đầu tiên “Kirikou và bà phù thủy” ra đời cách đây 8 năm, được xem là “ý tưởng điên rồ” của Michel Ocelot. Thời gian này, hoạt hình Pháp đang rơi vào tình trạng khủng hoảng phải nhường chỗ cho những bộ phim hoạt hình của Mỹ. Cùng đồng sự của mình là Bénédicte Galup, Michel Ocelot đã làm nên điều kỳ diệu đối với “Kirikou”. Bộ phim hoạt hình 2D này đã trở thành phim hoạt hình hay nhất của Pháp. Và nhân vật Kirikou trở thành hình tượng tiêu biểu của hoạt hình Pháp.
Dựa vào những câu chuyện thần thoại của châu Phi, đạo diễn Ocelot đã cho ra đời hình ảnh nhân vật Kirikou. Cậu bé này đặc biệt ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Cậu nói chuyện với mẹ từ trong bụng và tự chui ra. Là một cậu bé tí hon, nhưng Kirikou đã làm được nhiều việc phi thường.
Cậu đã giúp dân làng thoát khỏi bà phù thủy độc ác và sau đó… cưới phù thủy làm vợ. Thành công của bộ phim thứ nhất cộng với áp lực từ khán giả đã khiến đạo diễn Ocelot quyết định thực hiện bộ phim thứ hai: “Tôi không định làm bộ phim thứ hai nhưng thằng bé Kirikou không cần hỏi ý kiến tôi, nó tự quyết định ra đời, và tôi cũng không gây phiền hà gì cho nó. Đây quả thật là một kinh nghiệm kỳ lạ: một mặt bị chính nhân vật của mình qua mặt, một mặt lại phải lùi lại để bắt đầu làm việc y như trước…” – Ocelot đã nói.
Bénédicte cũng được xem là một bà mẹ của Kirikou khi là đồng đạo diễn bộ phim này. Đến bộ phim thứ hai, bà đã có dịp làm việc chung cùng những họa sĩ hoạt hình Việt Nam. “Được làm việc cùng các họa sĩ hoạt họa có một nền văn hóa khác và có thể châu Phi hay thế giới Kirikou rất xa lạ đối với họ, đấy cũng là một kinh nghiệm lý thú đối với tôi” – bà nói.
Một khán giả Pháp có mặt tại buổi chiếu phim đã thốt lên: “Việc làm phim không tồn tại một biên giới nào, sự kết hợp của các nghệ sĩ Pháp với các nghệ sĩ Việt Nam hay giữa nhiều nền văn hóa khác nhau đã làm nên một tác phẩm tuyệt vời”. Riêng đối với Olivier Reynal, người giám sát sản xuất thì “những họa sĩ Việt Nam thật là tuyệt”. Điều thú vị của bộ phim theo anh đó là “tài năng của họa sĩ vẽ trong phim, bạn có thể cảm nhận mùi hương của những bông hoa tỏa ra từ bộ phim”.
Không biết có phải do biết đây là bộ phim được các nghệ sĩ Việt Nam thực hiện hay không nhưng rõ ràng những thước phim về châu Phi man mác hình ảnh Việt Nam. Và nếu không phải là một bộ phim hoạt hình hẳn người xem sẽ có cảm giác đây là một bộ phim quảng bá cho du lịch, bởi hình ảnh trong phim vô cùng tươi đẹp, hấp dẫn.
HÀ GIANG