Kỷ niệm 47 năm Ngày thành lập Lực lượng TNXP TPHCM (28-3-1976 _ 28-3-2023): Mãi xanh màu áo tình nguyện

Gần nửa thế kỷ qua, màu áo xanh tình nguyện của lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) TPHCM luôn đồng hành với sự phát triển của thành phố. Ngọn lửa nhiệt huyết vẫn cháy trong tim thế hệ TNXP hôm nay.

Một thời hoa lửa

Sau ngày 30-4-1975, đất nước thống nhất, nhưng hậu quả chiến tranh để lại vô cùng nặng nề. TPHCM đối mặt với tình trạng an ninh trật tự chưa ổn định, nhiều vùng đất bị hoang hóa, thiếu thốn lương thực thực phẩm… Thực hiện chủ trương của chính quyền TPHCM, Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh TPHCM thành lập các đội TNXP đi khai hoang, phục hóa, làm thủy lợi ở các huyện ngoại thành, xây dựng khu kinh tế mới ở các tỉnh Tây Ninh và Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương và Bình Phước). Ngày 28-3-1976, hơn một vạn TNXP đồng loạt ra quân “lên rừng xuống biển”.

Lực lượng TNXP tham gia cải tạo công trình vui chơi cho trẻ em
Lực lượng TNXP tham gia cải tạo công trình vui chơi cho trẻ em

Ông Lê Minh Khoa, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TPHCM, cho biết, nhiệm vụ đầu tiên của Lực lượng TNXP TPHCM lúc đó là đào kênh, rửa phèn, chống ngập úng, đắp đường ở các huyện ngoại thành Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ… Những ngày đầu khó khăn, nhiều đơn vị đã làm việc trong đêm trăng để hoàn thành công việc đúng tiến độ. Nhiều anh em phải ngâm mình trong nước hàng tháng trời để đào đắp, hoàn thành hệ thống kênh nội đồng Tam Tân - Thái Mỹ (Củ Chi). Với yêu cầu ổn định an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội, Trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới được thành lập tại huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để quản lý, giáo dục thanh niên vướng vào các tệ nạn xã hội. Lực lượng TNXP TPHCM lớn mạnh từng ngày, đến ngày 6-9-1977, toàn lực lượng TNXP đã có 9 Tổng đội trực thuộc với 25.000 cán bộ, đội viên, nhiệm vụ trải rộng từ TPHCM đến các tỉnh Lâm Đồng, Tây Ninh, Sông Bé (cũ), Minh Hải (cũ), Kiên Giang…

Với đôi bàn tay và trái tim nhiệt huyết, Lực lượng TNXP TPHCM đã biến “vành đai trắng” ngoại thành TPHCM thành “vành đai xanh”, xây dựng những làng định cư kinh tế mới của dân nghèo thành thị tại những vùng hoang vắng. Lực lượng TNXP TPHCM cũng đã đến các vùng quê ở miền Đông Nam bộ, xuống miền Tây Nam bộ, lên Tây Nguyên để làm “sống” lại núi đồi bằng màu xanh của lúa, mì, cao lương, góp phần giải quyết tình trạng thiếu lương thực của thành phố.

Ngày 25-9-1977, đồng bào ta ở xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang bị quân giặc tàn sát dã man. Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, nhiều cán bộ, đội viên TNXP đã viết đơn tình nguyện, có những lá đơn viết bằng máu, để xin ra chiến trường. Các liên đội Trung Kiên, Thống Nhất và Dũng Chí là những đơn vị đầu tiên của TNXP được ra chiến trường phục vụ chiến đấu, với nhiệm vụ mở đường, tải đạn, tiếp lương, chuyển thương binh.

Nhiều cựu TNXP vẫn nhớ như in hình ảnh nữ TNXP trầm mình dưới nước suốt nhiều đêm liền để bắc cầu, cống, mở đường sá. Có lúc các cán bộ, đội viên TNXP cũng nhịn đói, chịu khát, vượt rừng sâu, bám sát cùng bộ đội truy quét địch. Nhiều đơn vị TNXP rơi vào vòng vây quân thù vẫn bình tĩnh giữ vững đội hình, mưu trí luồn rừng, nổ súng quyết đánh trả, thoát khỏi vòng vây an toàn và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tham gia nhiều nhiệm vụ an sinh - xã hội

Bên cạnh chiến tích “vành đai xanh”, khu kinh tế mới cũng như những hy sinh anh dũng của cán bộ, đội viên TNXP khi tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam, trong 47 năm qua, Lực lượng TNXP TPHCM luôn có mặt ở những tuyến đầu, đồng hành cùng sự phát triển của TPHCM.

Ông Lê Minh Khoa chia sẻ, từ những ngày đầu thành lập, Lực lượng TNXP TPHCM đã được UBND TPHCM giao nhiệm vụ quản lý đối tượng tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội. Các trường giáo dục lao động thuộc Lực lượng TNXP đã cải tạo, giáo dục đối tượng quản lý với phương châm “Trách nhiệm và tình thương”. Học viên do các đơn vị TNXP quản lý đã tham gia xây dựng đường giao thông, nhà ở, thủy điện, trồng cà phê, chăn nuôi. Lực lượng TNXP còn thành lập 3 “nhà mở” để tiếp nhận các em thiếu nhi lang thang, trẻ đường phố (bụi đời) vào sinh hoạt, ăn ở và học tập. Từ các nhà mở, hàng trăm em đã trưởng thành được hồi gia, có công ăn việc làm ổn định và nhiều em đã gia nhập vào đội ngũ TNXP.

Hình ảnh màu áo xanh TNXP trở nên quen thuộc với người dân thành phố khi tham gia phát triển kinh tế, chỉnh trang đô thị và nhiệm vụ công ích. Lực lượng TNXP phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt giữ gìn trật tự giao thông trên địa bàn TPHCM. Bộ phận cơ động TNXP luôn trong tình trạng sẵn sàng lên đường ứng phó, điều tiết, phân luồng giao thông tại các tuyến đường đang thi công, kịp thời hỗ trợ cảnh sát giải quyết nhanh các vụ ùn tắc, kẹt xe.

Hiện nay, Lực lượng TNXP TPHCM có 3 cơ sở cai nghiện ma túy. Năm 2022, Lực lượng TNXP TPHCM quản lý 3.278 người cai nghiện ma túy. Học viên được tham gia các lớp bổ túc văn hóa, lớp nghề phù hợp với nhu cầu, trình độ và được tạo điều kiện tham gia lao động, với thu nhập bình quân là 940.000 đồng/người/tháng.

Hiện nay, lực lượng TNXP TPHCM quản lý, vận hành phà Bình Khánh - Nhà Bè, Cát Lái - Nhơn Trạch (Đồng Nai), đảm bảo đưa người dân, phương tiện qua sông an toàn tuyệt đối. Nhằm phục vụ hành khách đi phà nhanh, thuận tiện, TNXP TPHCM cũng đã đầu tư ứng dụng công nghệ trong bán vé, chuyển từ mô hình vé giấy sang vé điện tử.

Ngoài ra, đội bảo vệ khách du lịch cũng thực hiện hướng dẫn, giúp đỡ du khách khi đến thành phố tham quan, nghỉ dưỡng. Những “hiệp sĩ áo xanh” thường xuyên tuần tra, ngăn chặn các hành vi cướp giật, móc túi, ăn xin để tạo sự an tâm, thoải mái cho du khách khi tham quan, góp phần xây dựng hình ảnh TPHCM thân thiện, hiếu khách. Lực lượng TNXP còn xây dựng, quản lý 46 nhà vệ sinh công cộng, đồng thời tiếp tục đầu tư mới, cải tạo nâng cấp nhà vệ sinh nhằm phục vụ người dân, du khách, góp phần giữ gìn môi trường sạch đẹp, vệ sinh nơi công cộng của thành phố.

Màu áo xanh TNXP hòa chung màu xanh của rừng Sác - Cần Giờ (TPHCM), nơi lực lượng TNXP được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 7.628ha đất rừng và rừng phòng hộ. Những giọt mồ hôi của TNXP đã giữ “lá phổi xanh” - Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ mãi một màu xanh.

Tin cùng chuyên mục