(SGGP). – Ngày 18-7, lễ kỷ niệm cấp quốc gia 60 năm ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (20-7-1954 – 20-7-2014) đã diễn ra trọng thể tại Hà Nội.
Tới dự buổi lễ có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ Công an- Đại tướng Trần Đại Quang; Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, Hà Nội, địa phương; các đoàn khách quốc tế đã dự buổi lễ.
Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã bày tỏ thành kính tưởng nhớ, lòng biết ơn vô hạn với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nguyên là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Geneva. Chủ tịch nước đánh giá cao công lao của các cán bộ, chiến sĩ tại Hội nghị Geneva 1954, đặc biệt là các thành viên của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chủ tịch nước khẳng định: “Việc ký kết Hiệp định Geneva là một thắng lợi to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lần đầu tiên, Chính phủ Pháp và mỗi nước tham gia Hội nghị Geneva cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn và vững chắc cho nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Hiệp định Geneva là một bước tiến quan trọng, khẳng định khát vọng của Việt Nam về một nền hòa bình gắn liền với độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; vừa có ý nghĩa pháp lý, vừa tạo cơ sở vật chất, tinh thần để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng hoàn toàn đất nước”.
Chủ tịch nước đã gửi lời cảm ơn chân thành về sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình của các lực lượng cách mạng Lào và Campuchia, sự hỗ trợ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa, bạn bè quốc tế, của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới đã góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập chủ quyền của nhân dân Việt Nam. Đồng thời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nêu rõ: “Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, nhưng đang đứng trước những khó khăn, thách thức.
Đặc biệt, tình hình xâm phạm và tranh chấp chủ quyền ở biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, tạo ra những thách thức nghiêm trọng đối với công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và duy trì môi trường hòa bình để xây dựng đất nước ta. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc, tăng cường xây dựng lực lượng, đoàn kết nhất trí, vận dụng sáng tạo những bài học của các thế hệ người Việt Nam trong lịch sử, trong đó có kinh nghiệm từ Hội nghị Geneva 1954.
Đó là tiếp tục giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác cùng phát triển; lấy lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu và nguyên tắc cao nhất; đấu tranh không khoan nhượng với các thế lực mưu toan xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời kiên trì chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng những cam kết khu vực và luật pháp quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc thực hiện đường lối và các chủ trương, chính sách đối ngoại không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành đối ngoại mà trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân.
Chủ tịch nước nhắc lại lập trường, tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong điện văn gửi Liên hiệp quốc và Chính phủ các nước sau khi Người thay mặt quốc dân đồng bào đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945: “...Nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: Toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”.
Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng, với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự ủng hộ quốc tế, vận dụng những bài học kinh nghiệm từ Hội nghị Geneva năm 1954, cuộc đấu tranh chính nghĩa bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ nói riêng, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng của nhân dân ta nói chung, nhất định sẽ giành thắng lợi hoàn toàn.
Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc của các cán bộ chiến sĩ trên mặt trận ngoại giao, tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Geneva 1954.
THÀNH NAM