Kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển: Phát huy truyền thống anh hùng, thiết thực hỗ trợ nhân dân

Ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập lực lượng vận tải quân sự đường biển mang tên Đoàn 759 - tiền thân của Lữ đoàn 125, Bộ Tư lệnh Vùng 2, Quân chủng Hải quân ngày nay (đóng tại phường Cát Lái, TP Thủ Đức, TPHCM). 

Gần 14 năm làm nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam (1961-1975), tham gia nhiệm vụ quốc tế và trong những chặng đường phát triển mới, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 đã phát huy truyền thống vẻ vang của “Đoàn tàu không số”, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, dựa vào dân để hoàn thành nhiệm vụ.

Kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển: Phát huy truyền thống anh hùng, thiết thực hỗ trợ nhân dân ảnh 1 Lữ đoàn 125 bố trí tàu và xe chở lương thực thực phẩm từ miền Tây tiếp viện TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai trong đợt dịch Covid-19 vừa qua 

Tiên phong trong thời chiến

Với phương châm hoạt động “bí mật, táo bạo, bất ngờ”, từ năm 1961 đến 1975, Đoàn vận tải biển 759 - Lữ đoàn 125 đã huy động gần 1.000 lượt tàu, chở hơn 28.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, hơn 97.000 tấn vũ khí, hàng hóa, vượt biển từ phía Bắc vào các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau. Để hoàn thành nhiệm vụ, Đoàn 759 đã trực tiếp chiến đấu với 30 tàu chiến, hơn 1.200 lượt máy bay; khắc phục rà phá 4.000 quả thủy lôi, bắn rơi 5 máy bay, bắn chìm và bắn hỏng 5 tàu chiến, bắt 42 tù binh… kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam.

Sau khi đất nước thống nhất, năm 1978, để đáp ứng yêu cầu của mặt trận Tây Nam, lữ đoàn đã huy động hàng trăm lượt tàu thuyền, vận chuyển được 46.905 tấn hàng hóa, vũ khí... góp phần giải phóng Campuchia, giúp nhân dân nước này thoát khỏi thảm họa diệt chủng Pôn Pốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế. Đặc biệt, trong sự kiện 14-3-1988 cán bộ, chiến sĩ của lữ đoàn một lần nữa thể hiện rõ bản lĩnh, lòng dũng cảm ngoan cường, kiên quyết bảo vệ các đảo thuộc chủ quyền của Tổ quốc, là mốc son chói lọi tô đẹp thêm truyền thống của Lữ đoàn 125.

Trải qua các giai đoạn kháng chiến và phát triển, Lữ đoàn 125 vinh dự 2 lần được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được tặng thưởng 5 Huân chương Quân công, 12 Huân chương Chiến công, có 13 tập thể và 22 cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân… cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Hiện nay, nhiệm vụ chính trị của Lữ đoàn 125 là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vận tải, chi viện, quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Ngoài ra, lữ đoàn còn tham gia xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trên biển, phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển, khắc phục hạn mặn, chở các đoàn công tác đi thăm, kiểm tra quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK I.  

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Lữ đoàn 125 coi trọng kết hợp giáo dục nhiệm vụ với giáo dục truyền thống, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” và phong trào Thi đua Quyết thắng bằng những nội dung, mô hình thiết thực như: “Tàu chính quy mẫu mực”, “Đơn vị 3 tiêu biểu”… xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.

Tri ân nhân dân

Phát huy truyền thống gắn bó với nhân dân, mỗi cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 hôm nay không ngừng tăng cường gắn bó với nhân dân, củng cố vững chắc mối quan hệ quân dân - cá nước, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân, vì nhân dân phục vụ, thực hiện tốt công tác dân vận, tham gia xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai. 

Trong 5 năm qua, đơn vị tổ chức tuyên truyền biển đảo đến 350.450 lượt người, trong đó có hơn 100.300 người là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các ban, ngành đoàn thể chính trị - xã hội và hơn 250.150 lượt người dân, học sinh, sinh viên trên địa bàn. Lữ đoàn đã xây dựng 7 nhà đồng đội, 6 nhà tình nghĩa với số tiền gần 1 tỷ đồng; phụng dưỡng 16 gia đình chính sách.

Nổi bật là lữ đoàn tổ chức hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ giúp đỡ nhân dân trên các địa bàn đóng quân khắc phục thiên tai, bão lũ, cứu hộ cứu nạn ngư dân trên biển. Lữ đoàn cũng vận chuyển cấp phát miễn phí hơn 4.000m3 nước sinh hoạt, 230 bình nước lọc và 70 bồn chứa nước cho nhân dân các tỉnh ĐBSCL khắc phục khó khăn do hạn mặn, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, trong cao điểm phòng chống dịch Covid-19, Lữ đoàn 125 huy động hơn 100 lượt phương tiện tàu, xe; hơn 2.068 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia chống dịch; bốc xếp, vận chuyển hơn 2.000 tấn hàng hóa, đóng gói hơn 2.120 túi quà đưa đến các khu phong tỏa; vận chuyển hàng chục bệnh nhân, tro cốt của bệnh nhân tử vong do Covid-19... 

Lữ đoàn đã phối hợp với các cơ quan Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân và chính quyền địa phương sử dụng 1 tàu 450 tấn cùng 42 cán bộ, chiến sĩ tiến hành vận chuyển hàng nông sản từ các tỉnh ĐBSCL về cảng lữ đoàn, vận chuyển hỗ trợ TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Lữ đoàn cũng vận động được 19 tấn lương thực thực phẩm hỗ trợ nhân dân tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn TPHCM.

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng Lữ đoàn 125 đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang “Mưu trí, dũng cảm; khắc phục khó khăn; vận tải đường biển; chi viện chiến trường; quyết chiến quyết thắng”. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm truyền thống, Lữ đoàn 125 vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất.

Tin cùng chuyên mục