
* Gương sáng nữ anh hùng
Chiều ngày 7-3, tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM đã diễn ra cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa nữ lãnh đạo TPHCM với trên 150 công nhân viên chức lao động (CNVC-LĐ) nữ đang làm việc tại các đơn vị, khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM. Các đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP; Võ Thị Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP và nhiều đồng chí lãnh đạo sở ban ngành đã tới dự, giải đáp những thắc mắc liên quan đến chính sách, chế độ do nữ CNVC-LĐ đặt ra tại buổi gặp.
Lao động nữ còn nhiều thiệt thòi
Cuộc gặp gỡ đã diễn ra thân mật, thẳng thắn. Rất nhiều nữ công nhân, lao động, viên chức đã mạnh dạn trình bày những bức xúc của mình, từ việc làm, chế độ lao động nữ, nhà ở xã hội đến các chiến lược quy hoạch, đào tạo, đề bạt cán bộ nữ… Chị Lê Thị Ngọc Nhung (12 năm làm bảo mẫu, hiện đang làm việc tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1) bày tỏ một thực tế đau lòng của nghề: mỗi ngày làm việc 8 tiếng nhưng chỉ được hợp đồng thời vụ 9 tháng với nhà trường, 3 tháng hè không có lương nên các bảo mẫu phải tìm việc làm thêm, tự bỏ tiền đóng BHYT, BHXH để được hưởng chế độ liên tục. Các chị không từ bất cứ việc gì để tăng thu nhập, từ may thêu, gia công thêm đến giúp việc nhà, chạy bàn, rửa chén trong các quán ăn… “Được chính thức có tên trong danh sách định biên với mức lương hợp lý và ổn định để toàn tâm toàn ý chăm lo trẻ” - chị Nhung bày tỏ một mong muốn đơn sơ. Chị Lê Thị Mỹ Châu, Chủ tịch Công đoàn ngành y tế TP, kể câu chuyện thiệt thòi mà nữ trí thức ngành y đối diện: Khi tốt nghiệp ngành y, đã 24 - 25 tuổi, cộng thêm thời gian để đủ thâm niên đi làm, đi học 5 năm cho mỗi bậc sơ bộ chuyên khoa, chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 thì khi đạt chuẩn chức danh chuyên môn, chị em cũng đã ở tuổi 40! Chưa kể còn thời gian học ngoại ngữ, chính trị và đặc biệt là 5 - 10 năm để thực hiện thiên chức của người mẹ, khi đến lúc có thể đảm bảo hội đủ các tiêu chuẩn có khi đã không còn đủ tuổi đưa vào diện quy hoạch hoặc bổ nhiệm các chức danh quản lý tối đa chỉ được không quá 1 - 2 nhiệm kỳ, thậm chí có lúc không còn đủ tuổi đưa vào diện quy hoạch!... Chị Võ Thị Đào (công nhân Công ty TNHH Punrkook, 100% vốn nước ngoài ở KCX Tân Thuận) kiến nghị: “Cần nhiều hơn nữa các buổi nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền về lịch sử Đảng, đào tạo các kỹ năng, tổ chức sân chơi, tư vấn sức khỏe cho lao động nữ…”. Đặc biệt, chị Đào bày tỏ, lãnh đạo các cấp cần tăng cường gặp gỡ đảng viên xuất thân từ công nhân - những người đã có quá trình phấn đấu bền bỉ và là tấm gương cho công nhân khác noi theo, để động viên, chia sẻ. Cùng chung ý kiến, chị Trần Thị Hồng Vân, Bí thư chi bộ, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nissei, cho biết: “Các KCX-KCN hiện có hơn 250.000 công nhân nên rất cần có trung tâm bồi dưỡng giáo dục chính trị với các hoạt động phong phú, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho CNLĐ được tìm hiểu, học tập về Đảng, về giai cấp mình”…

Các đại biểu nữ CNVC-LĐ trao đổi tại buổi gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo TPHCM
Hướng về cơ sở
Chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của nữ CNVC-LĐ, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà và các đồng chí lãnh đạo TP, đại diện các sở ngành liên quan đã giải đáp hầu hết các thắc mắc và bức xúc của nữ CNVC-LĐ; tạo nguồn và các chính sách, chế độ đối với cán bộ nữ của riêng TPHCM; cam kết thúc đẩy các doanh nghiệp có chính sách phù hợp nhất với các nữ CNLĐ; tìm hướng mở trung tâm bồi dưỡng chính trị trong khu vực đông CNLĐ… Đồng chí Phó Bí thư Thành ủy chỉ đạo các đơn vị có liên quan cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh hoạt động về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn chủ yếu, lấy CNVC-LĐ làm đối tượng chính để vận động đồng thời chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đội ngũ này.
Hồng Hiệp