Người Việt Nam thường nhắc đến “5 châu, 4 bể”, trong khi nhiều nước trên thế giới quy ước là 6 châu lục, thậm chí Mỹ chia thành 7 châu lục (châu Á, châu Âu, châu Bắc Mỹ, châu Nam Mỹ, châu Phi, châu Đại Dương, châu Nam cực). Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây của các nhà địa chất học New Zealand, Australia và New Caledonia cho rằng có châu lục thứ 8, bị chìm dưới nước từ hàng triệu năm nay.
Lục địa và nguồn tài nguyên giá trị
Kết quả nghiên cứu, được đăng trên tờ Geological Society of America (GSA) giải thích châu lục thứ 8 được phát hiện xung quanh quần đảo New Zealand. Được đặt tên là Zealandia, lục địa này khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên về kích thước: rộng gần 5 triệu km2, lớn gần gấp 9 lần nước Pháp. Khoảng 94% diện tích của Zealandia chìm dưới đại dương. Hiện Zealandia vẫn chưa chính thức được coi là một châu lục nhưng các nhà địa chất học cho rằng Zealandia nên được xếp ngang hàng với 7 châu lục khác.
Zealandia nhìn từ không gian
Vậy tại sao đến giờ Zealandia mới được phát hiện? Các nhà khoa học nêu lý do là các kỹ thuật quan sát vỏ Trái đất chỉ mới được sử dụng trong những năm gần đây. Theo giải thích của các nhà nghiên cứu trên GSA, nếu từ đầu, phần nổi lên của bề mặt cứng của Trái đất cũng được xác định và vẽ theo cách làm với Sao Hỏa hay Sao Kim, thì Zealandia có lẽ đã được nghiên cứu và được coi là một trong số các châu lục trên Trái đất từ sớm hơn. Nhóm nghiên cứu do nhà địa chất học Nick Mortimer dẫn đầu cũng khẳng định là Zealandia không phải là một phần của một châu lục khác hay là một phần mảng lục địa Pangea. Họ cho rằng nên coi Zealandia là một châu lục riêng, vì phần chìm dưới đại dương của Zealandia nằm tách biệt với Australia (khoảng 25km) và châu Nam cực.
Việc công nhận lục địa mới có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là với New Zealand. Theo dự tính, New Zealand có thể sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên từ dầu mỏ và khoáng vật ngoài khơi, trị giá lên tới hàng tỷ USD.
Hình thành và tương lai Trái đất
Mới đây, các nhà khoa học mô tả những thay đổi của bề mặt hành tinh bằng một mô hình máy tính mới, cung cấp cái nhìn chi tiết về sự tách rời và kết nối của các mảng lục địa sau khi siêu lục địa Pangea phân rã thành từng mảng sau 200 triệu năm để Trái đất hình thành 7 lục địa như ngày nay. Video mô phỏng chuyển động của các mảng kiến tạo địa cầu trong quá trình phân chia từ siêu lục địa khổng lồ, kéo theo sự hình thành các dãy núi, núi lửa và khu vực động đất. Các chuyển động được mô tả với bước thời gian 1 triệu năm. Ít người biết rằng lục địa châu Phi và Nam Mỹ, lãnh thổ Ấn Độ, châu Đại dương và Nam cực trước kia là một.
Vào thế kỷ thứ 19, một số nhà khoa học đã nói về khả năng các lục địa di chuyển nhưng phải đến năm 1912, nhà khoa học người Đức Alfred Wegenner (1880 - 1930) mới đưa ra một giả thuyết tương đối chắc chắn về sự di chuyển của lục địa. Ông Wegenner đã cắt các lục địa từ bản đồ địa lý, rồi xếp chúng lại với nhau thành một lục địa thống nhất và gọi tên là Pangea. Theo nhà khoa học người Đức, lục địa Pangea bắt đầu bị rời ra từng mảng vào khoảng 150 triệu năm trước. Trong giai đoạn đầu, lục địa này bị tách thành 2 lục địa cổ là Gondwana và Laurasia. Trong đó, Laurasia bao gồm Bắc Mỹ và châu Âu, châu Á còn Gondwana gồm châu Nam cực, châu Đại Dương, châu Phi và Nam Mỹ. Sau đó, châu Phi và Nam Mỹ lại bị tách ra và tạo thành Đại Tây Dương.
Bản đồ mô tả 8 lục địa của Trái đất
Lúc đầu, luận thuyết của Wegenner được các nhà chuyên môn đánh giá là không có cơ sở. Nhưng với công nghệ hiện đại ngày nay, các nhà nghiên cứu đã nắm trong tay vô số tư liệu cho thấy các lục địa vẫn chuyển động và phạm vi chuyển động của chúng còn lớn hơn dự đoán của Wegenner rất nhiều. Điều này lý giải vì sao Trái đất có dãy Himalaya hùng vĩ. Himalaya được tạo thành khi Ấn Độ tiến sát vào châu Á. Dãy núi này ngày càng cao dần chứng tỏ Ấn Độ còn đang dịch chuyển về phía Bắc. Chính vì các mảng lục địa trôi dạt đã giải thích được một loạt các hệ động vật hóa thạch được tìm thấy ở Nam cực. Năm 1969, một đoàn khảo sát của Mỹ đến Nam cực và phát hiện ra vô số xương loài bò sát của kỷ Trias. Điều này là vô lý nếu bò sát là loài sống trên cạn và ở nước ngọt lại có thể bơi qua đại dương sang châu Phi. Điều đó chỉ có thể giải thích rằng châu Nam cực đã từng gắn liền với châu Phi thành một lục địa thống nhất…
Trước phát hiện kỳ thú về lục địa thứ 8, có nhiều người đặt ra câu hỏi, vậy tương lai của Trái đất sẽ thế nào? Trả lời câu hỏi này, Giáo sư J.Brendan Murphy của Đại học St.Francis Xavier tại Canada, đã đưa ra một giả thuyết. Theo đó, ngay lúc này, các lục địa đang trong tiến trình hội tụ ở giữa Thái Bình Dương nơi những hoạt động hiện tại vẫn đang tiếp diễn. Các lục địa sẽ kết hợp thành một siêu lục địa mới trong khoảng 75 đến 80 triệu năm tới. Nếu nghiên cứu của Giáo sư Murphy là chính xác, Bắc Mỹ sẽ bị kéo trở lại châu Âu giống như quá trình hình thành Pangaea vậy. Ông Murphy cũng cho biết thêm rằng tất cả những sự kiện trên chỉ là một viễn cảnh đã từng được coi là không thể xảy ra. Những viễn cảnh đó khiến cho công cuộc nghiên cứu tương lai của trái đất thêm phần thú vị.
Những đặc điểm để vùng đất được công nhận là lục địa: - Cao hơn hẳn mặt nước biển. - Cấu tạo từ ít nhất 3 loại đá: đá lửa (từ magma núi lửa), đá biến chất (do tác động của nhiệt độ và áp suất), và trầm tích (do quá trình xâm thực). - Thành phần vỏ Trái đất dày hơn vùng biển xung quanh. - Diện tích vùng đủ lớn và tách biệt để được công nhận là lục địa hoàn chỉnh, thay vì là vi lục địa hoặc là một phần của lục địa khác. |
MINH CHÂU (tổng hợp)