Kỳ vọng của người trẻ

Hôm nay, cả nước bắt đầu Tháng Thanh niên 2018 với các hoạt động từ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các cơ sở đoàn. Có thể thấy những sự thay đổi đáng kể trong cách làm của đoàn với mong muốn thu hút nhiều hơn sự đồng hành của người trẻ, sự chia sẻ của cộng đồng và sự ghi nhận từ dư luận xã hội.
Đó là các đội hình chuyên gắn với chuyên môn, sở trường của từng nhóm đoàn viên thanh niên; đó là những nhóm giải pháp, phần việc được “đặt hàng”, giải quyết từng điểm nghẽn ở cơ sở; đó còn là việc hỗ trợ những địa bàn dân cư còn khó khăn được gỡ khó… Những phần việc “đến hẹn lại lên”, mà xã hội đang trông ngóng vào người trẻ, vào tổ chức đoàn không hề ít. 
Nhưng, cũng có ý kiến từ chính người trẻ cho rằng, họ mong muốn đoàn phải đổi mới hơn nữa để khi họ tham gia công tác đoàn không phải vì phong trào, vì thành tích mà vì những lợi ích thực sự cho chính họ. Lợi ích ở đây là sự trưởng thành, là kinh nghiệm, chứ không phải “làm cho vui”, làm để báo cáo thành tích!
Kỳ vọng của người trẻ ảnh 1 Hàng trăm tình nguyện viên tham gia sôi nổi việc vớt bèo trên rạch Cầu Suối, huyện Bình Chánh, trong dịp Tháng Thanh niên năm 2017. Ảnh: TUẤN VŨ
Người trẻ có lý. Thời gian qua, ở nhiều nơi, hoạt động đoàn chỉ theo kiểu đến hẹn lại lên. Đến Tháng Thanh niên là thực hiện các đội hình chuyên; đến các chiến dịch tình nguyện hè là ra quân rầm rộ, với các hoạt động dàn trải, thiếu điểm nhấn, chưa kể những chiến dịch tình nguyện cần phải xem xét lại tính khả thi, như chiến dịch “Tiếp sức mùa thi” ở nhiều nơi hiện nay không còn phù hợp do Bộ GD-ĐT đã thay đổi quy chế thi THPT. 
Điều mà người trẻ cần chính là những hoạt động gắn liền với giải pháp khắc phục, giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong xã hội, trong chính thanh thiếu niên; những phần việc gắn nhiều hơn với chuyên môn và sở trường của người trẻ.
Đó là chưa nói, ở nhiều nơi đoàn còn đứng ngoài cuộc, chưa kịp thời có ý kiến và tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc, tiêu cực, mặt trái xã hội tác động đến chính thanh thiếu niên; trong khi lại hay tổ chức các hoạt động tuyên dương, khen thưởng điển hình hay các liên hoan, hội trại tốn kém nhưng thiếu hiệu quả.
Đáng nói hơn, các đợt hoạt động tình nguyện ở các địa phương, địa bàn dân cư được tổ chức ra quân rầm rộ nhưng khi triển khai lại “thiếu đầu, thiếu đuôi”, không đi vào thực chất tại địa phương đó. Có nơi tổ chức cho người trẻ đi cải tạo kênh ô nhiễm, cùng với các lực lượng địa phương vệ sinh môi trường, cùng dân quân vớt rác trên kênh. Sau đó, nghiên cứu cải tạo bằng cách thả thuốc, thả cá diệt lăng quăng, hay bố trí lực lượng canh chừng và vớt rác.
Những “việc của người trẻ” kiểu này chỉ mang tính tức thời, nặng về hình thức, không phát huy được sức trẻ. Hay như một dạo, công trình “biến bãi rác thành vườn hoa” được thực hiện bởi các cơ sở đoàn ở nhiều thành phố lớn. Khi ra quân khá lá rầm rộ, nhưng sau 2-3 tháng, vườn hoa lại trở thành bãi rác, vì chẳng mấy ai quan tâm. Sự bàn giao giữa nơi thực hiện và nơi thụ hưởng không rõ ràng, dẫn đến sự thờ ơ lãnh đạm trong việc bảo tồn công trình; sự hồ hởi phấn khởi ra quân rầm rộ, xong rồi “quên” mất việc hậu kiểm, khiến công trình mất đi hình ảnh đẹp ban đầu, nhanh chóng “hạ nhiệt”.  
Chuyện hình thức - thành tích là chuyện dài nhiều tập, đã gây sụt giảm niềm tin của một bộ phận xã hội, trong đó có không ít những người trẻ. Bởi vậy, nhân Tháng Thanh niên, không chỉ có xã hội kỳ vọng vào sự đổi thay của hoạt động đoàn, mà chính người trẻ cũng đang mong mỏi có một sự thay đổi trong diện mạo của hoạt động đoàn lâu nay.

Tin cùng chuyên mục