Dòng tiền quay lại
Thanh khoản cũng đã tăng lên mức cao nhất trong 8 tuần, một phần nhờ khối ngoại tăng cường giải ngân vào nhóm cổ phiếu các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, ngân hàng và thực phẩm. Theo dõi thị trường cho thấy, một trong những yếu tố hỗ trợ TTCK Việt Nam hồi phục mạnh mẽ thời gian qua là diễn biến mua ròng của khối ngoại, từ đó giúp tâm lý nhà đầu tư trên thị trường dần ổn định, tạo lực đỡ thị trường thoát khỏi chuỗi điều chỉnh 4 tháng liên tiếp trước đó, đặc biệt là VN-Index đã thoát khỏi kênh giảm giá kể từ đỉnh 1.200 điểm vào tháng 4-2018 để quay trở lại xu hướng tăng. Kết thúc phiên cuối cùng của tháng 2-2019, tính chung trên cả 3 sàn giao dịch, khối ngoại đã mua vào 377 triệu cổ phiếu, trị giá 15.181 tỷ đồng, trong khi bán ra 370 triệu cổ phiếu, trị giá 13.620 tỷ đồng. Như vậy, tổng khối lượng mua ròng trong tháng 2-2019 đạt 7,1 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt 1.560,8 tỷ đồng.
Với những diễn biến trên, các chuyên gia phân tích thị trường cho rằng, dòng tiền lớn đã được kích hoạt, nhiều nhà đầu tư bắt đầu quan tâm hơn đến thị trường sau một thời gian dài thất vọng. Khi nội tại nền kinh tế ổn định, định giá thị trường hấp dẫn hơn so với nhiều nước trong khu vực thì dòng vốn đứng ngoài hay phân tán qua các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, vàng, ngoại hối... sẽ trở lại với TTCK khi nhận thấy cơ hội rõ nét hơn. Triển vọng kinh tế vĩ mô cũng như nội tại của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn vẫn đang là động lực khiến động thái giải ngân từ phía nhà đầu tư, cả nội và ngoại mạnh mẽ hơn.
Nhận định về xu hướng thị trường, các chuyên gia trong ngành cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất của thị trường đã đi qua. Thị trường đi lên từ vùng đáy với P/E (thị giá trên thu nhập trên mỗi cổ phần) dự phóng 13 - 14 lần, là mức hấp dẫn dòng vốn đầu tư trung và dài hạn khi nền tảng kinh doanh của các doanh nghiệp là tích cực. Bên cạnh đó, năm 2019, thị trường sẽ tiếp tục có nhiều thương vụ thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước lớn như VGC, ACV…, và điều này có thể giúp dòng tiền tiếp tục gia nhập thị trường trong thời gian tới. Ngoài ra, TTCK Việt Nam có thể sẽ đón nhận dòng vốn mới từ cả nhà đầu tư ngoại và nội nhờ cơ hội quảng bá hình ảnh Việt Nam sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Kỳ vọng dòng vốn ngoại
Phân tích kết quả khả quan trên, lãnh đạo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Quân đội (MBS) cho rằng, bước sang năm 2019, diễn biến TTCK thế giới trở nên tích cực với các tin tốt về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tình trạng đóng cửa một phần của Chính phủ Mỹ, sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) theo hướng có thể chỉ nâng lãi suất một lần và ngừng cắt giảm số dư trên bảng cân đối tài sản trong năm 2019… sẽ giúp cho TTCK toàn cầu phục hồi tích cực.
Thanh khoản thị trường cũng đã cải thiện đáng kể. Giai đoạn trước Tết Nguyên đán 2019, giá trị giao dịch bình quân khoảng trên dưới 3.000 tỷ đồng/phiên. Sau tết đến nay, giá trị giao dịch bình quân/phiên tăng lên trên 4.000 tỷ đồng/phiên, có những phiên đạt gần 6.000 tỷ đồng/phiên. |
Ngoài những yếu tố trên, câu chuyện nổi bật của TTCK Việt Nam năm 2019 sẽ là nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên nhóm thị trường mới nổi. Đây là cú hích tích cực nhất với các thay đổi cụ thể của chính sách TTCK trong năm nay. Về việc này, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, năm 2018, FTSE Russell (cùng với MSCI là 1 trong 2 đơn vị cung cấp bộ chỉ số lớn nhất thế giới) đã đưa TTCK Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng từ cận biên lên mới nổi cấp 2, thời gian tối thiểu xem xét là một năm. “Hiện việc nâng hạng đang tiến triển rất tốt và chúng ta có thể hy vọng được nâng hạng vào cuối năm 2019 hoặc đầu 2020”, ông Dũng cho hay.
Để thúc đẩy việc này, trong năm 2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tập trung vào 4 nhiệm vụ chính: Hoàn thiện Luật Chứng khoán, đưa ra thảo luận Quốc hội kỳ 1 vào tháng 5 và kỳ 2 vào tháng 10 để thông qua; thực hiện tái cấu trúc TTCK theo đề án Thủ tướng đang xem xét trong thời gian sớm; thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam trên cơ sở tái cấu trúc 2 sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TPHCM theo Đề án 32 đã được phê duyệt; triển khai được một số sản phẩm mới, trọng tâm là hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ và chứng quyền có bảo đảm.
Liên quan đến câu chuyện nâng hạn, các công ty chứng khoán cho biết, hiện có rất nhiều quỹ mở ETF đang đầu tư thụ động dựa theo chỉ số FTSE Emerging Markets của FTEF Russell với tổng số vốn hóa lên tới 76,4 tỷ USD. Trường hợp Việt Nam được FTSE xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi cấp 2, sẽ có một dòng vốn ngoại rất lớn được rót vào TTCK Việt Nam trong các kỳ tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF. Được nâng hạng thị trường sẽ tạo ra bối cảnh tốt để dòng tiền ngoại sẽ tiếp tục chảy vào thị trường Việt Nam lâu dài.