Lá thư thứ 1.000 gửi chính mình

“Mong bạn trở thành phiên bản hạnh phúc nhất” là thông điệp được in phía bên ngoài bìa cuốn sách 999 lá thư gửi cho chính mình (NXB Thanh Niên ấn hành), cuốn sách đang được các bạn trẻ săn lùng trong thời gian gần đây, đến từ tác giả văn học mạng Miêu Công Tử. Cũng nhờ câu thông điệp đầy cảm hứng ấy mà tôi đã quyết định đọc cuốn sách này.

Chỉ mới lật những trang sách đầu, thứ khiến tôi thấy thú vị đó là bố cục của từng lá thư. Ngắn thì đôi ba dòng, dài nhất thì hơn chục dòng, mỗi lá thư đều được đánh số, giống như một dạng nhật ký, những lá thư nhỏ nhắn nhủ đến người đọc về giá trị cuộc sống, tình yêu, tuổi trẻ, tương lai. Lối viết gần gũi khiến người đọc cảm thấy dễ chịu, nhẹ nhàng, quan trọng là đánh trúng những vướng mắc tâm sinh lý của người trẻ ngày nay. 

“Đừng vì làm người khác hài lòng mà khiến bản thân sống mệt mỏi, hao tâm tổn sức khiến mọi người vui vẻ, bạn sẽ quên mất bản thân nên cười như thế nào” (bức thư thứ 668). Người trẻ ngày nay vẫn thường vậy, họ chọn cách đeo một lớp mặt nạ để ra đường, tạo ra một con người trên mạng xã hội hoàn toàn khác với bản thân, họ làm hài lòng và thích chạy theo tâm lý đám đông rồi lại cảm thấy bản thân lạc lõng và cô đơn. 

Không ít bạn trẻ ngày nay mắc bệnh trầm cảm, căn bệnh mà 10 năm, 20 năm trước đây vẫn chưa ai biết chính xác là thứ bệnh gì. Có nhiều lý do để lý giải cho căn bệnh này, nhưng có lẽ, lý do lớn nhất là các bạn đang quên mất bản thân mình cần gì và muốn gì trong cuộc sống. Khi bạn sống quá nhiều cho người khác, sống theo cảm xúc, nét mặt của đám đông, tự khắc bạn sẽ mất lộ trình mà bản thân đang đi, đang theo đuổi. Rồi tới khi nhìn lại, cả một quãng đường dài đi qua, bạn không còn nhận ra chính mình nữa.

“…Không phải là uống Starbucks, cầm một cuốn sách hay thưởng thức một bản nhạc dưới ánh hoàng hôn, mà là có được thế giới riêng, được sống theo ý nguyện của bản thân. Có thể chịu được khổ, chịu được mệt, cuộc sống mộc mạc, giản dị nhưng nội tâm phải phong phú đẹp tươi. Mặc cho thế giới bên ngoài ồn ào náo nhiệt  như thế nào, trong lòng bạn vẫn có được sự an yên” (bức thư thứ 690).

Tôi có không ít bạn vẫn là sinh viên nhưng thực tình, tính cách và lối sống được xếp vào dạng “quá lứa lỡ thì”. Đáng lẽ người trẻ cần xông xáo, nhiệt huyết với những phong trào xã hội, trường lớp, nhưng thực tế ngược lại hoàn toàn. Các bạn có thể dành cả ngày đi cà phê tán gẫu hay đi mua sắm nhưng không thể bỏ ra 30 phút để tham gia chương trình dọn dẹp, tái chế rác thải trong khuôn viên trường học - một cách bảo vệ môi trường mà cả xã hội đang kêu gọi.

Ngủ, ăn chơi và lướt mạng là những hoạt động được nhiều bạn trẻ đang ưu tiên hàng đầu trong lịch trình mỗi ngày; đi làm thì chỉ chọn những việc nhẹ nhàng, thích than vãn, thiếu ý chí. Suy cho cùng, ai rồi cũng chỉ sống một đời, cớ sao không chọn cách làm việc chăm chỉ, để sau một ngày làm việc có thể gác cao gối ngủ một giấc bình yên.

Trong 999 bức thư ấy, sẽ có lúc bạn cảm thấy nhiều đoạn “sinh ra là dành cho mình” hay nhiều đoạn như nói hộ nỗi lòng chất chứa bao lâu của chính bạn. Còn bức thư thứ 1.000, tác giả không viết, chỉ để trống, đó chính là nơi để bạn có thể gửi gắm một bức thư cho chính bạn của ngày hôm nay. 

NGUYỄN THANH MAI

15 Hàng Tre, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội

Tin cùng chuyên mục