Lại chung chiến hào?

Mỹ từng liệt Iran vào trục ác cũng như duy trì lệnh cấm vận với nước này kể từ khi cách mạng Hồi giáo Iran thành công năm 1979. Liên tục trong nhiều đời tổng thống Mỹ, Iran được xem là một trong những mối đe dọa lớn với an ninh Mỹ. Tuy nhiên, tình thế có vẻ đã thay đổi khi nhóm P5+1 (5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Đức) đã đạt được thỏa thuận tạm thời về hạt nhân với Iran, đổi lại Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt Tehran. Các cuộc đàm phán hạt nhân mới nhất cũng cho thấy triển vọng về một thỏa thuận lâu dài giữa hai bên.

Với Syria, trong một giai đoạn kéo dài nhiều tháng dư luận thế giới lo ngại về một cuộc chiến mới của Mỹ ở nước này để lật đổ Tổng thống Bashar Al-Assad. Đến nay, việc kết thúc chiến dịch tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria cũng đã giảm bớt phần nào áp lực của Mỹ lên Chính phủ của Tổng thống Bashar Al-Assad.

Thế rồi sự nổi lên của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đe dọa an ninh nhiều nước, trong đó có cả Mỹ, Syria và Iran đã vô tình đặt cả 3 nước này chung một chiến hào chống IS.

Theo các nguồn tin từ báo chí Mỹ, giữa lúc các máy bay chiến đấu của Mỹ không kích các mục tiêu của IS tại Iraq thì xe tăng của Iran di chuyển vào phía Bắc Iraq giao chiến với quân IS. Tuần trước, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nói với báo chí Iran rằng Tehran sẵn sàng gia nhập một liên minh quốc tế chống IS, cho dù sau đó Bộ Ngoại giao Iran có đính chính là thông tin này không chính xác. Báo Daily Beast của Mỹ dẫn lời các nhà chính trị người Kurd và người Shiite tại Iraq cho biết họ đang đóng vai trò liên lạc giữa Mỹ và Iran.

Mối quan hệ Iran - Iraq từ khi Chính phủ do người Shiite tại Iraq cầm quyền đến nay luôn nồng ấm và từ khi IS chiếm nhiều vùng của Iraq, Iran càng hợp tác chặt chẽ hơn với Chính phủ Iraq. Iran đã đưa nhiều vũ khí và cố vấn sang Iraq, trong đó có cả máy bay không người lái. Washington chắc chắn đã nắm rõ những thông tin này nhưng không phản đối. Có thể thấy rằng ở tình thế chẳng đặng đừng, Mỹ tạm thời chấp nhận sự hiện diện quân sự của Iran tại Iraq vì dù sao họ cũng đang có chung một kẻ thù và điều mà Washington đang cần là bằng cách nào đi nữa, tiêu diệt IS vẫn là ưu tiên số một, nhất là sau khi tổ chức này công khai giết người dã man, trong đó có nhà báo Mỹ James Foley.

Đó là giữa Mỹ và Iran, vậy Washington và Damascus sẽ hợp tác như thế nào để chống IS? Báo Washington Post dẫn lời nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết bất chấp Mỹ và Syria chia sẻ lợi ích trong việc chống IS, hiện Washington vẫn chưa hợp tác với Tổng thống Assad và Mỹ cũng không cần xin phép Syria trước khi không kích IS tại miền Bắc Syria. Tuy nhiên, tờ báo này nhận định: cho dù có hợp tác với Tổng thống Assad hay không, những cuộc không kích của Mỹ tại Syria sẽ mang lại lợi ích chiến lược cho ông Assad sau hơn 3 năm diễn ra các cuộc nổi dậy chống ông ta vì IS đang là kẻ thù số một của Syria. Thậm chí, nếu Tổng thống Assad lên tiếng phản đối các cuộc không kích vì vi phạm chủ quyền Syria, Tổng thống Mỹ Obama và ông Assad vô hình trung đã chung một chiến hào. Julien Barnes - Dacey, một nhà phân tích Trung Đông tại cơ quan phụ trách quan hệ đối ngoại thuộc Hội đồng châu Âu, cho biết sự phối hợp Mỹ - Syria về công khai chắc là không có nhưng IS “chắc chắn đưa họ lại gần với nhau”.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục