Chiều 5-3, trước đông đảo báo giới, Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây đã thông báo kế hoạch, kịch bản lai dắt, lắp đặt đốt hầm dìm số 1. Theo đó, tất cả phương án đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công việc bảo vệ được thực hiện nghiêm ngặt.
Đốt hầm về đích sau 8 giờ?
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị tại khu vực bể đúc cũng như khu vực dìm Thủ Thiêm triển khai đúng như kế hoạch dự kiến. Suốt tuyến sông lai dắt đốt hầm sẽ có 11 chốt cảnh giới cơ động, đồng thời bố trí 5 điểm neo đậu tạm thời để đề phòng sự cố có thể xảy ra. Nhằm đảm bảo an toàn trong việc lai dắt, cơ quan chức năng đã cấm tất cả phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến sông này, bên cạnh đó Ban quản lý dự án sẽ bố trí 6 trạm giao thông hình thành 3 vòng để chặn mọi tàu thuyền từ các kênh rạch đi ra.
Hôm nay, 6-3, Ban quản lý cùng 20 đơn vị liên quan sẽ tổng diễn tập, tất cả các kế hoạch, phương án triển khai đã được UBND TPHCM phê duyệt. Ban quản lý tiến hành rà soát lại từng chi tiết cụ thể sẵn sàng cho ngày lai dắt chính thức.
Ông Lương Minh Phúc thông báo: Ngày lai dắt đốt hầm số 1 từ bể đúc Nhơn Trạch về nơi dìm Thủ Thiêm sẽ chính thức diễn ra ngày 7-3. Lộ trình lai dắt dài 22km, dự kiến đoàn tàu lai dắt sẽ đi đến ngã ba Đèn Đỏ vào khoảng 8 giờ 40 phút. Một giờ sau đó (9 giờ 40 phút), đoàn tàu lai dắt sẽ về đến cầu Phú Mỹ, tiếp tục đi trên sông Sài Gòn. Dự kiến, 13 giờ cùng ngày đốt hầm đầu tiên sẽ về đến khu vực dìm hầm Thủ Thiêm. Lộ trình lai dắt về mặt lý thuyết như vậy. Tuy nhiên trên thực tế có thể chênh lệch 2 - 3 giờ, tức là tối đa khoảng 14 - 15 giờ cùng ngày đốt hầm sẽ về đến vị trí.
An toàn đến chi tiết nhỏ nhất
Lãnh đạo Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây phân tích, trong quá trình lai dắt đốt hầm trên đoạn sông dài nên có thể vấp phải một vài sự cố. Vì thế, dù là chi tiết nhỏ nhất cũng chuẩn bị hết sức chu đáo. Tuy nhiên, nếu quá trình lai dắt xảy ra “sự cố” sẽ xử lý như thế nào?
Theo kịch bản, trong quá trình lai dắt, ngoài 4 tàu kéo chính còn có 1 tàu dự phòng, 2 tàu đẩy cảnh giới cùng 5 ca nô cao tốc tháp tùng làm nhiệm vụ dẫn đường. Nếu xảy ra sự cố đứt cáp kéo đốt hầm hoặc tàu chính bị hư hỏng máy, tàu kéo dự phòng đi sau sẽ hỗ trợ. Trong trường hợp các tàu nhỏ mất điều khiển và trôi gần đến đốt hầm, các tàu đẩy sẽ làm nhiệm vụ đẩy tàu mất điều khiển ra khỏi đường đi của đoàn tàu lai dắt.
Ngoài ra, một sự cố đặc biệt không thể không lường trước, đó là khi vách ngăn đầu hầm (đã được bịt kín) bị thủng hoặc sự cố nghiêm trọng xảy ra thì bắt buộc phải đánh chìm đốt hầm tại chỗ và nhờ Công ty Đảm bảo An toàn hàng hải II thả phao để điều chỉnh lưu thông hàng hải. Còn trường hợp xấu nhất khi hư hỏng quá lớn không thể kéo đi được thì buộc phải đánh chìm đốt hầm, khắc phục xong sự cố mới có thể lai dắt tiếp.
Mặt khác, nếu vấp phải diễn biến bất thường của thời tiết thì đoàn lai dắt buộc phải dừng lại tại chỗ. Ngoài ra, đến khúc sông cong hoặc có thể mắc cạn đều được tính đến việc xử lý hết sức chi tiết.
Kết quả khảo sát cho thấy, đoạn đường sông lai dắt từ Đồng Nai về TPHCM có ít nhất 4-5 đoạn cong rất nguy hiểm có thể dẫn đến đốt hầm vượt ra khỏi luồng hoặc đối phó với những sự cố khác, các cơ quan chức năng đã chọn 5 điểm neo đậu tạm thời dọc tuyến sông như sau: khu vực Phú Xuân (Nhà Bè), khu vực Mũi Đèn Đỏ, cầu cảng Lotus, cầu cảng VICT, cầu cảng Sài Gòn.
Q.Hùng – L.Thiện
Thông tin liên quan |
- Ngày 7 và 8-3, ngưng lưu thông trên sông Sài Gòn để dìm đốt hầm Thủ Thiêm - Dự án đường hầm Thủ Thiêm - Đầu năm 2010 dìm đốt hầm đầu tiên |